Tam đà đồ
Có người cho rằng tranh cổ Trung Hoa ngoài phác họa hoa lá, chim muông, sông núi thì cũng chỉ toàn tranh thư pháp chứ không mang tính phơi bày và châm biếm như tranh phương Tây. Thế nhưng nổi tiếng trong mảng tranh châm biếm của giới hội họa Trung Quốc cổ đại có một bức tranh kỳ lạ tên là "Tam đà đồ" đã được lưu truyền hơn 400 năm.
Đây là bức tranh cổ có niên đại từ thời nhà Minh của họa sĩ Lý Sĩ Đạt. Bức tranh là một cuộn giấy dọc với chiều dài 78,5 cm và rộng 30,3 cm, hiện đang được sưu tầm và trưng bày tại Bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh.
Tổng thể bức tranh vô cùng đơn giản miêu tả ba ông lão lưng gù, một người vừa đi vừa xách giỏ, một người khác nhìn chằm chằm người xách giỏ, người còn lại thì vừa vỗ tay vừa cười lớn, trong tranh tướng mạo của cả ba lão đều vô cùng hài hước và kỳ dị.
Tuy tác giả của bức tranh này không phải là đại danh họa hay cao thủ trong giới hội họa lúc bấy giờ nhưng từ nét vẽ đơn giản có phần kỳ quái đến ý nghĩa của bức tranh đều được các chuyên gia đánh giá rất cao.
Những đường nét thậm chí như quần áo cũng được vẽ vô cùng "mượt mà", nét vẽ và nét mực tròn trịa, mềm mại cho thấy khả năng điêu luyện của tác giả. Phía trên bức họa có đề bài thơ của Tiền Doãn Trị tạm dịch là: "Trương Đà xách giỏ đi thăm người thân, Lý Đà bắt gặp tiện hỏi duyên cớ; Triệu Đà vỗ tay ha ha cười, trên đời hóa ra không có người ngay thẳng."
Ẩn ý thâm sâu
Bức "Tam đà đồ" được vẽ dựa trên câu chuyện trào phúng giữa ba ông lão. Chính giữa bức tranh là ông lão họ Lý, khi lão Lý gặp lão Trương đang trên đường đi thăm họ hàng thì cúi người lớn tiếng chào hỏi, lão Trương nhìn nghiêng đáp lại.
Hai người đang thản nhiên chào hỏi vài câu, đột nhiên một lão Triệu từ phía sau đi ra, vỗ tay cười ha hả nói lớn: "Tưởng có mỗi mình ta lưng cong, hoá ra mọi người đều là những kẻ lưng gù."
Câu cuối cùng trong bài thơ thực chất là một lời châm biếm vô cùng thâm sâu. Cái lưng gù trong tranh ám chỉ "người không ngay thẳng", lươn lẹo, nghĩa là trên thế gian này vì ai cũng là người không ngay thẳng nên con người luôn có cảm giác hả hê khi mọi việc dối trá đều không phải là tội.
Thế nên, bức họa kỳ lạ đã được lưu truyền 400 năm này dường như vẫn còn nguyên giá trị trào phúng của nó cho đến ngày nay. Dù chỉ có vỏn vẹn ba ông lão được vẽ trong tranh nhưng ý nghĩa thật sự đằng sau nó lại khiến không ít người cảm thấy chột dạ và xấu hổ.
Ba ông lão lưng cong này giống như đang lật tẩy bộ mặt thật của những kẻ thế tục. Ở xã hội hiện đại cũng đầy rẫy những kẻ "không ngay thẳng", và không ít những kẻ dối trá vẫn dửng dưng với tâm lý hả hê "ai cũng thế", "cha chung không ai khóc" nên vẫn vô tư làm điều sai trái như lão Triệu Đà trong bức tranh.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều cư dân mạng còn thấy bức tranh cổ này còn vô cùng phù hợp với một tầng lớp nghĩa khác ở thời hiện đại. Đó là thực trạng "cong lưng" trước điện thoại của hầu hết mọi người đặc biệt là giới trẻ. Họ ham mê điện thoại và các công cụ công nghệ mọi lúc mọi nơi dù là ở nhà hay ở nơi công cộng.
Thế nên mới nói bức tranh "Tam đà đồ" đơn giản một cách kỳ lạ này không hề đơn giản, không phải bỗng dưng nó được trưng bày tại Bảo tàng cố cung ở Bắc Kinh. Chỉ vỏn vẹn có 3 ông lão với dung mạo kỳ quái mà cũng đủ để làm cho không ít người chột dạ xấu hổ và thậm chí phải tự nhìn nhận lại chính mình.
Tác giả: Mộc
-
Có lúc phải thị tẩm tới 9 phi tần một đêm, Hoàng đế Trung Hoa cũng "cáo ốm, trốn trách nhiệm"
-
3 sự trùng hợp kỳ lạ nhất thế giới, khoa học không thể lý giải nổi
-
Vị vua cho phép các phi tần "cắm sừng" trước mặt mình: Hé lộ bí mật động trời
-
Nữ hoàng hậu 32 tuổi cưới bé trai 7 tuổi, phò tá chồng thống nhất đất nước
-
Nổi tiếng không sợ trời, không sợ đất song chỉ duy nhất một con vật khiến Võ Tắc Thiên khiếp đảm