Quán bánh trôi tàu của NSƯT Phạm Bằng: Ân tình một đời vì nhớ thương vợ

( PHUNUTODAY ) - Quán bánh trôi tàu của NSƯT Phạm Bằng bao năm qua vẫn là một địa chỉ quen thuộc với người Hà Nội, cái mùi vị thơm thơm, man mát, béo béo luôn khiến lòng người nhớ mãi và cũng là nghĩa tình một đời với người vợ quá cố bác Phạm Bằng

Nghệ sĩ Phạm Bằng là dân Hà Nội gốc, khí chất là điều luôn còn đầy ăm ắp, nhất là ở ánh mắt của ông, tinh nhanh và trong, ánh mắt vẫn còn chắc chắn và kiên định. Đó là điều thường thấy ở những chàng trai Hà Nội gốc cùng thời kỳ với ông, trong các gia đình tiểu tư sản. Ngoài nhân vật ông sếp đã “đi vào lòng người” với 2 nghệ sĩ Quang Thắng, Quốc Khánh, nghệ sĩ Phạm Bằng đóng rất nhiều vai diễn ông già nông thôn. Ông vào vai giản dị và không bị cường điệu, nhưng vẫn có cái tinh tế của người diễn có nghề, làm người xem thấy thích mà không bị “ấm ức” vì nhân vật nhạt nhoà.

Quán nhỏ nơi góc phố Hàng Giầy bao nhiêu năm qua đã trở thành địa chỉ quen thuộc của dân Hà thành. Mọi người đến vì tò mò muốn gặp người nghệ sĩ già nổi tiếng cũng có, đến để nói dăm ba câu chuyện với một người Hà Nội cũng có.

 Ảnh NSƯT Phạm Bằng và vợ lúc trẻ

Hay có một thế hệ trẻ như chúng tôi tìm tới quán bác đơn giản vì muốn thưởng thức món bánh trôi tàu nóng hổi, cảm nhận vị ấm trong lòng bàn tay, trên đầu lưỡi để như thấy sao mình giàu có quá, sở hữu cả con phố thân quen ấm áp.

Nghệ sỹ Phạm Bằng kể, trước kia có một bà cụ làm bánh và nấu ăn cho quán rất ngon, nhưng khi có tuổi rồi, cụ không làm tiếp được nữa mà truyền nghề cho một cô bé giúp việc. Cô bé khi ấy mới 14, 15 tuổi, giờ đã ngoài 30, vậy là cô bé bán bánh cho ông cũng khoảng 20 năm.

Chẳng phải mục đích kiếm tiền to tát gì, nhưng nghệ sỹ Phạm Bằng cứ đau đáu, ai đã ăn bánh ở cửa hàng của tôi là sẽ không đi đâu được, nếu có đi đâu cũng phải quay về với Phạm Bằng.

Ân tình một đời với người vợ quá cố

Trong câu chuyện nào của NSƯT Phạm Bằng cũng thấy ông nhắc đến người vợ đã quá cố của mình, mặc dù bà bỏ ông đi đã hơn chục năm, nhưng với Phạm Bằng, người bạn đời đã đồng cam cộng khổ suốt cả cuộc đời, còn sâu nặng hơn cả những ân tình. Còn nhớ, khi đi đến quyết định lấy một cô gái như thế nào về sống với mình cả đời ông cũng phải lựa xem ai là người sống được với mẹ, nên ngay cả khi có gia đình riêng, ông vẫn có một nỗi cô đơn khó nói.

Mùi vị thơm thơm, man mát, béo béo của hạt vừng xay nhuyễn của quán bánh trôi bác Phạm Bằng hấp dẫn đến khó quên. 

NSƯT Phạm Bằng nhớ khi mẹ ông mai mỉa mình làm cái nghề xướng ca vô loài, là con hát đi mua vui cho thiên hạ và chưa một lần đến xem ông biểu diễn, vợ ông đã âm thầm đứng sau lưng, hy sinh tất cả để chồng theo đuổi con đường mà ông đã chọn lựa.

Bà xã là người chịu thương chịu khó, có lẽ cũng khó có người con dâu nào chiều được mẹ chồng khó tính như vợ ông, nên Phạm Bằng nói ông thương vợ, lúc nào cũng thương dáng vẻ hiền lành, có gì đó cam chịu và luôn dõi đôi mắt theo cuộc đời ông. Thế nên dù đã đi xa lâu lắm rồi, nhưng trong căn nhà cổ kính của ông lúc nào cũng như còn hình bóng người vợ vẫn đâu đây.

Quán nhỏ được dựng ngoài vỉa hè ấy có gì mà khiến ông day dứt đến thế, gặng hỏi mãi, ông mới chia sẻ, hóa ra, quán bánh trôi ấy không đơn thuần là phong vị ẩm thực, mà còn là ân tình của ông với vợ mình suốt cả cuộc đời.

NSƯT Phạm Bằng nhớ lại, ngày xưa, phố Hàng Giày chủ yếu là người Hoa sinh sống, thế nên không thiếu những hàng quán bán đồ ăn của tàu như lục tàu xá, chí mà phù, bánh bao xíu mại…

Thời đói khổ, chính vợ chồng ông đã tìm tòi, học tập kinh nghiệm từ những quán của người Hoa ấy để tạo nên bí quyết làm món bánh trôi đặc biệt. Cũng chính quán nhỏ đơn sơ ấy, với đôi bàn tay của người vợ tần tảo, mà ông có điều kiện để hoàn thành những vai diễn của mình. Không có những năm tháng nghèo khổ, vất vả ấy, chẳng có một Phạm Bằng hôm nay.

Thế nên, còn sức khỏe, là còn giữ quán bánh trôi tàu này, để nhớ tới bà ấy. Dễ đó mà đã hơn chục năm người vợ sâu nặng hơn cả nghĩa tình bỏ ông lại mà đi. Nghệ sỹ Phạm Bằng bùi ngùi, đồng cam cộng khổ suốt cả cuộc đời, giờ đã âm dương cách trở.

Từ ngày bà qua đời, bác cứ ở vậy, lủi thủi trong ngôi nhà đơn sơ, đến ốm đau cũng không muốn phiền con cái mà lẳng lặng với thuốc men. Bác nhớ bà, bao nhiêu tâm huyết lại dành cho quán nhỏ.

Quán 30 Hàng Giầy chỉ bán độc 3 loại: bánh trôi tàu, lục tàu xá, chí mà phù. Cứ tầm đầu tháng 9 đến tháng 4 hàng năm, quán đắt hàng lắm. 

 NSƯT Phạm Bằng và những vai diễn để đời đã đi vào lòng khán giả...

Bác Bằng cũng không giấu bí quyết làm bánh riêng cho mình. Nhà bác chỉ đặt mua loại gạo cũ, loại gặt từ năm trước để dành tới năm nay. Loại này rất khó mua mà giá thì cao, nhưng khi lên bánh dai, không bị cứng hay nát.

Bát lục tàu xá có hạt sen, đậu xanh, vỏ quýt, vào sâu mùa đông có thêm mã thầy đưa vị. Nhiều quán bán thêm cả long nhãn, nhưng bác Bằng sợ giá cao, không khách nào dám ăn.

Chí mà phù chỉ có hạt vừng đen và đường nhưng lại là loại chúng tôi hay chọn nhất vì mùi vị thơm thơm, man mát, béo béo của hạt vừng xay nhuyễn hấp dẫn đến khó quên.

Nhiều người trẻ thích bánh ở quán vì ít nhân, vị không ngọt nhưng thanh đạm, dễ ăn, không ngấy. Vỏ bánh dẻo, thơm, ăn với nước chan sanh sánh dễ vào.

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang