Sẽ thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024? Cải cách tiền lương có tăng lương không?

( PHUNUTODAY ) - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024. Liệu cả nước sẽ thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024?

Cải cách tiền lương đã được đưa vào nghị quyết nhưng với sự xuất hiện và bùng nổ của dịch bệnh covid nên đã bị trì hoãn chưa thực hiện được. Mới đây, trong phát biểu bế mạc Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024. Liệu cả nước sẽ thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024?

Sẽ thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024?

Chiều ngày 19/9/2023, trong phát biểu bế mạc Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm không chỉ vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn mà còn tiếp cận các vấn đề lớn. Nổi bật nhất là phát biểu: "Đây là cải cách chứ không phải tăng lương bình thường. Nếu không có gì thay đổi, thời điểm chúng ta có thể áp dụng là từ 1-7-2024" được đông đảo người dân quan tâm. Như vậy, rất có thể việc cải cách chính sách tiền lương sẽ áp dụng từ 1/7/2024.

Một trong những điểm mới khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 là xóa bỏ tiền lương cơ sở. Theo đó, lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ được thiết kế gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Ngoài ra, nghị quyết đề cập việc xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

Xác định vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương. Theo đó, người đứng đầu được sử dụng kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Về tiền lương khu vực tư, tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng, đảm bảo tiền lương đáp ứng được mức sống tối thiểu. Đảm bảo nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, và tính tương quan với tiền lương khu vực công.

Mục tiêu cải cách tiền lương với cán bộ, công chức theo Nghị quyết 27?

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp thì mục tiêu tổng quát của việc cải cách tiền lương là:

Xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Cụ thể trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 như sau:

+ Đối với khu vực công

- Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.

- Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

- Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.

- Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

- Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

+ Đối với khu vực doanh nghiệp

- Từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

- Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến năm 2025 và tiến tới giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào năm 2030.

Tác giả: Vũ Thêm