Chiều 10/2, một sản phụ tên H. (34 tuổi, ngụ quận 5, TP. HCM) có dấu hiệu chuyển dạ. Người này chọn phương pháp sinh thuận tự nhiên tại nhà và đây là lần sinh con thứ 3. Khi em bé lọt phần đầu ra ngoài, sản phụ có nhờ người quen qua giúp đỡ tiếp phần thân em bé.
Người đỡ sinh này chỉ rửa tay bằng nước muối sinh lý và không có găng tay. Em bé sau khi sinh ra được đặt nằm cạnh mẹ cùng với dây rốn chưa cắt. Sau khi được làm vệ sinh, sản phụ mới da kề da với em bé.
5 giờ sau khi sinh, gia đình gọi cấp cứu 115 nhờ cắt rốn cho bé. Sau đó, chị H. được truyền dịch và chuyển hai mẹ con vào Bệnh viện Từ Dũ.
Bác sĩ Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Từ Dũ cho biết sản phụ nhập viện trong đêm với tình trạng thiếu máu nặng, rách tầng sinh môn. Nhân viên y tế phải thuyết phục nhiều lần sản phụ mới đồng ý khâu vết thương nhưng yêu cầu không sử dụng thuốc tê.
Bác sĩ chỉ định truyền dịch, tiêm thuốc co hồi tử cung, khâu tầng sinh môn cho sản phụ trong tình trạng không gây tê. Tuy nhiên, sau một mũi khâu, sản phụ không chịu được đau nên đồng ý cho gây tê tại chỗ.
Sau xét nghiệm, bác sĩ nhận định sản phụ có nguy cơ băng huyết sau sinh, chậm lành vết khâu, dễ nhiễm trùng... Tuy nhiên, chị H. không đồng ý sử dụng kháng sinh, không truyền máu, không truyền thuốc đề phòng đờ tử cung. Chị H. đã ký vào giấy cam kết tự chịu tất cả các hậu quả.
Ban giám đốc bệnh viện đã trực tiếp thuyết phục gia đình cho phép bác sĩ can thiệp y tế cho hai mẹ con. Chồng và mẹ sản phụ đồng ý với để xuất của bác sĩ tuy nhiên chị H. nhất định từ chối. Chị cho rằng "bệnh viện đang dụ để lấy tiền". Người này thậm chí không có các bác sĩ thăm khám và yêu cầu được xuất viện.
Đến trưa 11/2, các bác sĩ vẫn tiếp tục thuyết phục bệnh nhân điều trị.
Được biết, hai lần sinh trước, chị H. đều sinh tại Bệnh viện Từ Dũ. Đến lần mang thai thứ 3, chị có tìm hiểu trên mạng và tham gia lớp học về sinh thuận tự nhiên. Chị quyết tự sinh tại nhà vì "rất nhiều người mẹ đã sinh thuận tự nhiên thành công".
Theo bác sĩ Diệp, trường hợp đẻ rơi, khi sản phụ và em bé được đưa đến bệnh viện, nhân viên y tế sẽ kiểm tra âm đạo, cổ tử cung, tiền đình của mẹ xem có bị rách không. Sản phụ sẻ được sử dụng thuốc đề phòng băng huyết sau sinh, thuống kháng sinh chống nhiễm trùng...
Trẻ sơ sinh ngay sau khi chào đời cần được tiêm phòng viêm gan siêu vi B, bệnh lao theo chương trình tiêm chủng quốc gia, tiêm vitamin K1. Đây là quy trình bắt buộc để đề phòng xuất huyết não ở trẻ.
Hiện nay, không ít sản phụ tìm hiểu và học theo trào lưu sinh con thuận tự nhiên. Việc sinh con tại nhà không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, không cắt dây rốn có thể đe dọa đến tinh mạng của mẹ và bé.
Bánh nhau chứa máu, vì thế rất dễ nhiễm trùng. Chỉ một thời gian ngắn sau khi sinh, dây rốn ngừng hoạt động, sẽ không còn tuần hoàn trong bánh nhau, biến nó thành mô chết và bắt đầu quá trình phân hủy.
Việc để cơ thể trẻ nối thông với mô chết đang phân hủy trong thời gian dài (từ 3-10 ngày, thậm chí là 2 tuần) sẽ gây ra nhiễm trùng, nguy hiểm tới tính mạng của bé.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Chuyên gia Trung Quốc: "Thời gian ủ bệnh của virus corona có thể lên tới 24 ngày"
-
Chẳng cần cao ráo, các mỹ nhân hạt tiêu này vẫn có chiêu hack dáng cực chuẩn
-
Đại kỵ khi đi lễ chùa cầu tài lộc, tình duyên, người Việt cần biết ngay để mà tránh
-
2 thời điểm và 6 vị trí đổ nhiều mồ hôi là dấu hiệu cơ thể có bệnh, hãy đến gặp bác sĩ ngay
-
Trung vệ Bùi Tiến Dũng hạnh phúc chào đón cô con gái đầu lòng