Số trẻ tiêu chảy, nôn, sốt tăng: BS chỉ thời điểm cần cho trẻ nhập viện

( PHUNUTODAY ) - Những ngày qua, nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng vì trẻ nhỏ xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy, nôn, sốt.

Trẻ tiêu chảy, nôn, sốt gia tăng do thời tiết

Bệnh viện Nhi trung ương những ngày qua ghi nhận số trẻ đến khám và điều trị các bệnh về tiêu hóa gia tăng. Bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà - trưởng khoa tiêu hóa bệnh viện cho biết mỗi ngày khoa tiêu hóa tiếp nhận khoảng 200 trẻ đến thăm khám các vấn đề về tiêu hóa. Trong đó có khoảng 10-20 trẻ có triệu chứng nôn, tiêu chảy.

Bác sĩ Hà Nói: "Thời điểm giao mùa, bắt đầu vào mùa hè dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn liên quan đến tiêu hóa. So với hằng năm, con số này không tăng đột biến".

Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thời gian qua cũng ghi nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện với triệu chứng này.

Bác sĩ Thùy Dương, trưởng khoa nhi bệnh viện, cho biết trong khoảng 1 tháng trở lại đây, khi miền Bắc bắt đầu chuyển mùa, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận trường hợp trẻ thăm khám với triệu chứng sốt, nôn, tiêu chảy.

Bác sĩ Thùy Dương nói: "Trung bình mỗi ngày, khoa nhi tiếp nhận 10-30 trẻ đến thăm khám liên quan đến tiêu hóa. Hiện khu điều trị nội trú đang điều trị khoảng 40 bệnh nhi. Các trẻ thường phải nhập viện điều trị do nôn trớ nhiều, tiêu chảy dẫn đến mất nước, cần bác sĩ chuyên khoa theo dõi".

Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, Bác sĩ Trần Thị Cườm, phó trưởng khoa nhi bệnh viện, chia sẻ: "Thời gian qua chúng tôi tiếp nhận hàng chục ca bệnh nhi với những biểu hiện nôn, sốt, đi ngoài nhiều lần, ăn uống kém, rối loạn điện giải, hạ đường huyết… Có những trường hợp cả nhà phải nhập viện".

Khi trẻ sốt, nôn, tiêu chảy phụ huynh cần làm gì?

PGS.TS Trần Minh Điển - giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết tình trạng trẻ có triệu chứng sốt, nôn, tiêu chảy không phải là dịch bệnh lây lan như nhiều phụ huynh đang lo lắng.

Theo ông Điển: "Có thể do trẻ bị ngộ độc hoặc do tình trạng cơ thể mệt mỏi, thay đổi thời tiết. Thực tế tuần vừa rồi, trong kỳ nghỉ dài 30-4 và 1-5, các bé về quê, đi du lịch… bệnh tính dễ xảy ra. Đặc biệt, khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam nhiều virus, vi khuẩn dễ gây ngộ độc, bệnh tiêu hóa".

Còn bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà - trưởng khoa tiêu hóa bệnh viện cho biết sốt nôn và tiêu chảy thường gặp ở bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa, có thể do virus hoặc vi khuẩn. Thông thường ở trẻ dưới 5 tuổi, sốt, nôn là biểu hiện tiêu chảy cấp do rota virus. Ở trẻ được tiêm phòng rota virus, có thể do các virus khác như norovirus, calicivirus, adenovirus, SARS-CoV-2.

Theo nghiên cứu trên thế giới, khoảng 30-40% trẻ mắc Covid-19 cũng có triệu chứng tiêu hóa như sốt, nôn, tiêu chảy. Sau nhiễm Covid-19 khoảng 4-6 tuần, khoảng 10% trẻ cũng có biểu hiện đau bụng, nôn. Nếu bé trong vùng dịch hoặc gia đình có người mắc Covid-19, có thể các triệu chứng trên do liên quan đến Covid-19.

Bác sĩ Hà cũng chia sẻ thêm: "Thời tiết nắng nóng của mùa hè làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh. Sử dụng đá, nước giải khát được làm lạnh gây dễ nhiễm khuẩn nếu nguồn nước ô nhiễm".

Không chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng có thể nhiễm bệnh, vì vậy mà nhiều người dễ nhầm lẫn đây là bệnh truyền nhiễm. Theo bác sĩ Cườm thì đây là loại bệnh xảy ra vào mùa hè do thời điểm này tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi trong thức ăn, trong môi trường sống dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây nên bệnh.

Khi nào trẻ cần nhập viện

Các bác sĩ cho biết phụ huynh nên đánh giá triệu chứng của con xuất hiện như thế nào ((sớm hay muộn, có liên quan đến các bữa ăn hay không). Nếu triệu chứng liên quan tới bữa ăn tập thể hoặc đi du lịch về, phụ huynh phải cảnh giác về ngộ độc thực phẩm. Nếu bé đi học ở lớp, có các bạn như vậy, chúng ta quan tâm trẻ nhiễm virus, vi khuẩn.

"Nếu trẻ bị nôn, sốt, tiêu chảy thường mất nước, cần điều trị cẩn thận. Nếu bé nôn, sốt, tiêu chảy nhưng vẫn chơi, uống nước, đi tiểu nhiều… phụ huynh có thể theo dõi tại nhà.

Trong trường hợp trẻ khát nhưng không uống được, uống vào nôn ra, nôn tất cả, tốc độ tiêu chảy nhiều cần nhập viện để bác sĩ đánh giá nguyên nhân, mức độ nặng nhẹ để có sự can thiệp kịp thời.

Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ bù nước bằng dung dịch orezol. Trẻ sốt trên 38,5 độ C thì nên dùng hạ sốt. Sốt dưới 38,5 độ C thì cho trẻ uống bù nước và chườm mát. Nếu trẻ uống hạ sốt nhưng nhiệt độ không hạ thì phải cho trẻ nhập viện.

Tác giả: Trần Thu Thủy