Thiếu kẽm khiến trẻ còi cọc, chậm lớn: Thấy con có 1 trong 5 dấu hiệu này cần đi khám ngay

08:20, Chủ nhật 02/01/2022

( PHUNUTODAY ) - Kẽm là một trong những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Nếu thiếu kẽm, trẻ sẽ còi cọc và chậm phát triển.

Vai trò của kẽm đối với sức khỏe của trẻ

Kẽm là một trong những nguyên tố quan trọng giúp nâng cao hệ miễn dịch để chống lại các bệnh nhiễm trùng, giúp vết thương mau lành hơn, hỗ trợ chức năng vị giác, khứu giác và giúp quá trình trao đổi chất diễn ra bình thường.

Một số nghiên cứu cho thấy, hấp thụ đủ lượng kẽm cần thiết sẽ giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh cảm mạo thông thường, cải thiện chức năng tuyến giáp, giảm nguy cơ mắc bệnh đông máu và nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng. Ngoài ra, kẽm còn có vai trò điều chỉnh nhịp tim, do đó kẽm được xem là nhân tố tiềm ẩn trong cuộc chiến chống lại bệnh suy tim.

Đối với trẻ nhỏ, thiếu kẽm còn làm cản trở các kỹ năng nhận thức và tổn thương hệ thống thần kinh. Thậm chí, thiếu kẽm gây ra chứng khó đọc. Thiếu kẽm ảnh hưởng đến vị giác và khứu giác khiến trẻ không có cảm giác ngon miệng khi ăn. Trẻ chậm phát triển thể chất đặc biệt là chiều cao.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

5 dấu hiệu cho thấy trẻ đang thiếu kẽm

Ở Việt Nam hiện nay cứ 10 trẻ dưới 5 tuổi có đến 7 trẻ thiếu kẽm. Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn của người Việt đang thiếu những loại thực phẩm giàu kẽm, bên cạnh đó chất lượng mỗi bữa ăn khá thấp, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật còn thiếu khá nhiều.

Nếu trẻ xuất hiện 1 trong 5 biểu hiện dưới đây, mẹ nên cho con đi khám ngay:

- Trẻ chậm tăng cân, suy dinh dưỡng nhẹ, chậm tăng chiều cao.

- Trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hóa do sức đề kháng của bé kém tức là bé hay ốm.

- Trẻ biếng ăn, biếng bú, tiêu hóa kém.

- Trẻ hay trằn trọc, ngủ không sâu giấc, đặc biệt là vào ban đêm, trẻ có dấu hiệu mơ màng, kém tập trung.

- Trẻ tóc yếu, tóc dựng ngược, vàng hoe, móng tay, móng chân dễ xước, dễ gãy.

Làm gì để phòng ngừa thiếu kẽm ở trẻ nhỏ?

Để phòng ngừa trẻ thiếu kẽm, bạn nên cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, lựa chọn những thực phẩm giàu kẽm và thay đổi thói quen ăn uống có lợi cho việc hấp thụ kẽm. Ngoài ra, bạn cũng nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau:

- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng tuổi.

- Dự phòng điều trị các bệnh liên quan đến thiếu kẽm.

- Bổ sung các thức phẩm có chứa nhiều vitamin C có tác dụng làm tăng khả năng hấp thụ kẽm như rau xanh, hoa quả, chế biến như nảy mầm giá đỗ…

- Sử dụng các thực phẩm giàu kẽm như cua biển, thịt bò, tôm, thịt, cá...

- Bổ sung thêm vitamin A, B6, C và photpho vì chúng làm tăng sự hấp thu kẽm.

- Tẩy giun định kỳ cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, 6 tháng một lần.

chia sẻ bài viết
Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy