Tại sao tháng 12 âm lịch có nhiều tên gọi, lúc là tháng Chạp, lúc là tháng củ mật?

( PHUNUTODAY ) - Tháng 12 âm lịch được nhiều người gọi là tháng Chạp, tháng củ mật. Nhiều người vẫn chưa biết hết về ý nghĩa của các cách gọi tên này.

Tại sao tháng 12 âm lịch được gọi là tháng Chạp?

Tháng 12 âm lịch là tháng cuối cùng của năm âm lịch, luôn bắt đầu sau ngày Đông Chí. Đây là thờ điểm mà mọi người tất bật hoàn thành các công việc để chuẩn bị đón Tết, đón năm mới quây quần bên gia đình.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chữ "chạp" trong tháng Chạp là biến âm của chữ "lạp" trong tiếng Hán.

Vào dịp cuối năm, lễ tế thần của người Trung Quốc xưa được gọi là Lạp. Do đó, tháng 12 âm lịch còn được gọi là Lạp nguyệt (nguyệt tức là tháng).

Ngoài ra, khi nhắc đến chữ "lạp", người ta còn nhắc tới việc "lạp mả", tức là việc thăm nom, dọn dẹp, tu sửa lại mộ phần của tổ tiên trước khi đón năm mới.

Từ "lạp" trong tiếng Hán còn một nghĩa khác là lễ tất niên.

Còn một cách lý giải khác về từ "lạp". Trong tiếng Hán, "lạp" còn có nghĩa là thịt. Vào cuối năm, thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, nhiệt độ xuống thấp nên người ta sẽ tích trữ thực phẩm. Trong số các loại thực phẩm được tích trữ đó, thịt được xem là thứ quan trọng và có giá trị cao. Chữ lạp trong từ lạp xưởng cũng mang nghĩa này (trong đó, xưởng nghĩa là ruột).

Tại sao tháng 12 âm lịch được gọi là tháng củ mật?

Từ củ mật ở đây không chỉ bất cứ loại củ nào. Đây là một từ Hán Việt. "Củ" trong từ "củ mật" mang nghĩa kiểm soát, xem xét; mật nghĩa là kín, khít, cẩn mật, không để thất thoát, không để lộ ra ngoài. Từ "củ mật" này có thể hiểu đơn giản với nghĩa kiểm soát cẩn thận.

Việc gọi tháng 12 âm lịch là tháng củ mật mang ý nghĩa nhắc nhỏ mọi người phải cẩn trọng, tránh sai sót trong tháng cuối cùng của năm.

Thời xưa, tháng cuối năm là thời điểm rất dễ bị mất trộm. Đây là lúc mọi người bận rộn nên rất dễ lơ là, không để ý dẫn đến mất của.

Cuối năm cũng là thời điểm thu hoạch, người buôn bán thu tiền về trước khi hết năm, người cho vay tiền cũng đòi về. Tất cả để chuẩn bị sắm sửa đón tết. Thời điểm này là lúc đạo tặc tăng cường hoạt động để kiếm tiền tiêu xài. Chúng có thể tận dụng sơ hở của mọi người, khi mọi người tất bật với công việc của năm để trộm cắp.

Ngoài ra, vào tháng củ mật, mọi người cũng nên cẩn trọng với củi lửa. Trong tháng cuối của năm âm lịch, các hoạt động ăn uống, cỗ bàn diễn ra nhiều, thời tiết lại hanh khô nên rất dễ xảy ra hỏa hoạn, gây thiệt hại cho con người.

Một số việc nên làm trong tháng 12 âm lịch

- Cúng Rằm tháng Chạp

Đây là ngày Rằm cuối cùng của năm âm lịch. Các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng để dâng lên thần linh, tổ tiên thể hiện lòng biết ơn suốt một năm qua được bề trên che chở, cầu mong những điều xui rủi của năm cũ sẽ qua đi.

- Lễ ông Công ông Táo

Vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình sẽ làm lễ cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời báo cáo các việc xảy ra trong năm với Ngọc Hoàng.

- Dọn dẹp nhà cửa

Cuối năm là thời điểm các gia đình dọn dẹp lại nhà cửa, trang trí cho căn nhà thêm sinh động, nhiều màu sắc để đón năm mới vui vẻ, may mắn, hạnh phúc.

- Lễ tạ mộ

Sau khi hoàn tất các công việc như lễ ông Công ông Táo, dọn dẹp nhà cửa, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau đến thăm mộ tổ tiên, lau chùi, dọn dẹp và mời gia tiên về đón Tết cùng con cháu.

- Lễ Tất niên

Bữa cơm tất niên là thời điểm các thành viên trong gia đình quây quần, cùng nhau trò chuyện sau một năm bận rộn. Gia đình càng đông đủ thành viên trong bữa cơm tất niên thì càng nhiều phúc lộc, may mắn.

* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Tác giả: Thanh Huyền