Tắm nước lá mùi già xua đuổi vận xui năm cũ, đón Nhâm Dần 2022 may mắn nhưng có 3 người cần cẩn trọng

( PHUNUTODAY ) - Tục tẩy trần đêm tất niên” (tắm nước lá mùi già) được hầu hết người Việt áp dụng từ xa xưa đến nay, từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên có 3 người không nên sử dụng.

Tác dụng của việc tắm lá mùi già

Cây mùi để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía, khi nấu lên có mùi thơm nồng nàn, cay cay, rất đặc biệt. Người xưa quan niệm, việc tắm nước lá mùi già vào ngày cuối năm là để xua đuổi những điều không may trong suốt một năm và để đón niềm vui, điều may mắn trong năm mới.

Rau mùi trong thành phần cũng cung cấp nhiều vitamin như vitamin B6, B12, A, C và các khoáng chất: thiamine, riboflavin, niacin, axit pantothenic, folate, cholin, sắt, ma-giê… chứa các hợp chất thiết yếu khác như carbohydrate, protein và chất béo.

Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh các công dụng của rau mùi đối với sức khỏe.

Theo lương y Ngô Đức Phương (Viện Thuốc nam) cho biết, trong đông y rau mùi có vị cay, tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu thực, thông đại tiểu tiện, chống mệt mỏi, tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh phục hồi sức khỏe, giúp cơ thể lưu giữ hương thơm, sạch sẽ.

Do đó, việc tắm nước đun từ hạt hoặc lá mùi già có tác dụng làm cho da sạch. Mỗi khi tắm bằng lá mùi hay hạt mùi, cơ thể nóng và toát mồ hôi sau khi tắm nên da được sạch hơn, giúp tiêu diệt vi khuẩn, phần nào cũng có tác dụng phòng chống các bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, dân gian vẫn thường sử dụng thân cây mùi già và một số lá thảo mộc khác hay được lấy để nấu nước tắm cho người bị sởi, khiến chúng mọc nhanh hơn để trị sởi.

Đồng thời, hương của lá cây mùi có vị cay, ấm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh phục hồi sức khỏe. Theo nhiều nghiên cứu, loại cây này còn có tính sát khuẩn, kháng khuẩn tốt. Tinh dầu rau mùi chứa chất chống oxy hóa cao, có thể giảm viêm da, chống viêm nhiễm…

Ngoài ra, lương y Ngô Đức Phương cũng nhấn mạnh, mỗi dịp cuối năm, người dân lại dùng cây mùi già tươi (hoặc khô) nấu nước xông nhà và tắm, rửa mặt nhằm xua đuổi những điều không may của năm cũ, đón năm mới nhiều may mắn.

Để có được nồi nước tắm cho cả nhà, trước tiên bạn rửa lá mùi sạch sẽ, không để nát lá rồi cho vào nồi nước đun với chút gừng đập giập. Sau khi nước sôi, lọc lấy nước đổ ra chậu, thêm một chút muối, hòa loãng với nước ấm và đem sử dụng.

Chỉ cần khoảng 2 bó mùi già chúng ta đã có một nồi nước tắm to, mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu để cả gia đình cùng “tẩy trần” trước thềm năm mới.

Tuy nhiên không phải ai cũng được tắm loại nước có mùi thơm rất đặc trưng này.

Những người không nên tắm lá mùi già

- Người bị bệnh viêm da: Những người đang mắc bệnh liên quan đến da như viêm da cơ địa, da trầy xước, bong tróc da, nhiễm trùng da… không nên tắm các loại nước lá nói chung và lá mùi nói riêng.

- Người mắc sởi thời kỳ toàn phát hoặc đã bị biến chứng đường hô hấp: Không nên tắm cho những trẻ đã mắc bệnh sởi hay thủy đậu khi đang bị sốt, ủ bệnh sởi hay khi trẻ đã mọc ban và thậm chí là ngay khi sởi vừa bay. Bởi việc làm này vô tình sẽ khiến trẻ mắc thêm bệnh dị ứng.

Đặc biệt các bà nội trợ cũng lưu ý, việc sử dụng hạt hoặc lá mùi để tắm cho trẻ bị sởi cần được hết sức lưu ý vì một số trẻ cơ địa nhạy cảm, việc làm này vô tình sẽ khiến trẻ mắc thêm bệnh dị ứng.

Ngoài ra không tắm lá mùi già khi vừa ăn no vì làm mạch máu căng lên, dễ dẫn đến thiếu máu ở khoang bụng, ở tim, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, gây chóng mặt, tim đập nhanh. Cũng không nên tắm khi bụng trống rỗng vì có thể bị suy kiệt, ngất xỉu. Không tắm trước khi đi ngủ, nhất là khi cơ thể khó chịu, mệt mỏi. Nhiệt độ nước tắm không nên quá cao vì có thể khiến gây hoa mắt, chóng mặt do thiếu máu ở tim, não.

Lưu ý không nên tắm nước lá mùi quá đặc, có thể pha loãng bằng cách hòa thêm nước ấm hoặc nước mát để tắm được thoải mái hơn. Nên rửa lá mùi thật sạch trước khi nấu nước tắm để loại bỏ các tạp chất, vi khuẩn thường bám trên bề mặt lá.

Tác giả: Vũ Ngọc