Qua mỗi giai đoạn lịch sử, nước ta có một quốc hiệu khác nhau như Văn Lang (dưới thời vua Hùng), Âu Lạc (dưới thời An Dương Vương), Vạn xuân (dưới thời vua Lý Nam Đế), Đại Cồ Việt (dưới thời Đinh, Tiền Lê và dầu thời Lý), Đại Việt (bắt đầu từ thời vua Lý Thái Tông kéo dài cho đến hết thời Trần), Đại Ngu (dưới thời Hồ Quý Ly), Đại Việt (từ khi Lê Lợi lên ngôi vua; sau đó, nước ta giữ quốc hiệu là Đại Việt suốt thời Hậu Lê và thời Tây Sơn)...
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua và lấy hiệu là Gia Long. Ngoài việc ổn định tổ chức vương triều, ông cũng quan tâm đén việc đặt quốc hiệu cho đất nước. Đây là cách để khặng định sự thống nhất của một triều đại mới.
Năm 1803, vua Gia Long có ý định xin nhà Thanh đặt quốc hiệu cho đất nước là Nam Việt. Tuy nhiên, quốc hiệu này không được chấp nhận do dễ gây nhầm lẫn với nước Nam Việt ở thời Triệu Đà. Sau đó, vua Gia Long tiếp tục gửi nhiều thư biện giải khác và cuối cùng được đồng ý đổi quốc hiệu đất nước thành Việt Nam.
Đến tháng 2 năm Giáp Tý 1804, vua Gia Long ban chiếu thông báo về việc đất nước có quốc hiệu mới là Việt Nam.
Nhắc tới sự kiện đặt quốc hiệu Việt Nam, mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam thực lục đệ nhất kỷ, quyển 23, mặt khắc 12, 13 có khắc nội dung như sau: "Ngày Đinh Sửu, vua đem việc cáo Thái miếu. Lễ xong, vua ngự ở điện nhận lễ chầu mừng. Xuống chiếu bố cáo khắp trong ngoài: "Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống. Xét từ các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất Viêm bang, gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước. Hơn 200 năm, nối hòa thêm sáng, vững được nền thần thánh dõi truyền, giữ được vận trong ngoài yên lặng. Chợt đến giữa chừng, vận nước khó khăn, ta lấy mình nhỏ, lo dẹp giặc loạn, nên nay nhờ được phúc lớn, nối được nghiệp xưa, bờ cõi Giao Nam, đều vào bản tịch. Sau nghĩ tới mưu văn công võ, ở ngôi chính, chịu mệnh mới, nên định lấy ngày 17 tháng 2 năm nay, kính cáo Thái miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa. Lại hạ chiếu báo các nước Xiêm La, Lữ Tống và các thuộc quốc Chân Lạp, Vạn Tượng, khiến cho đều biết".
Về mặt lịch sử, việc vua Gia Long đổi quốc hiệu đất nước thành Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sự kiện này được coi là sự thế chế hóa nguyện vọng lâu đời của các tầng lớp trí thức, quan lại và nhân dân. Việc đất nước có quốc hiệu cũng khẳng định tính pháp lý về chủ quyển của Nhà nước Việt ở phương Nam. Không những thế, đây là sự kiện thể hiện ý chí, sức mạnh muôn đời của các cộng đồng dân cư Việt.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam được sử dụng với tư cách là quốc hiệu của đất nước và quốc hiệu này được công nhận hoàn toàn về mặt ngoại giao.
Tuy nhiên, theo các cứ liệu lịch sử, hai chữ Việt Nam không phải chờ đến thời vua Gia Long mới xuất hiện. Hai chữ này được cho là đã xuất hiện từ rất sớm, ngay từ cuối thế kỷ 14. Theo đó, Việt Nam được dùng trong nhan đề của "Việt Nam thế chí" do Học sĩ viện Hàn lâm Hồ Tông Thốc biên soạn. Đến đầu thế kỷ 15, Nguyễn Trãi cũng nhiều lần nhắc đến hai chữ Việt Nam trong tác phẩm "Dư địa chí". Hay trong trang mở đầu tập "Trình tiên sinh quốc ngữ", Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có viết: "Việt Nam khởi tổ xây nền". Bước sang thế kỷ 16-17, hai chữ Việt Nam cũng được xuất hiện trên một số tấm bia khắc tại các ngôi chùa như chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Dương, chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Nội, chùa Phúc Thánh (1664) ở Bắc Ninh... Đặc biệt, ở biên giới Lạng Sơn có bia Thủy Môn Đình (1670). Câu đầu tên bia này ghi: "Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan", nghĩa là cửa ngõ yếu hầu của nước Việt Nam, là tiền đồn trấn giữ phương Bắc.
Quốc hiệu Việt Nam tồn tại suốt 34 năm (1804 - 1838) dưới vương triều Nguyễn. Khi vua Minh Mạng lên nối ngôi, quốc hiệu này ít được sử dụng. Nhà vua còn cho đổi quốc hiệu thành Đại Nam.
Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nhà sử học và chí sĩ yêu nước sử dụng hai tiếng Việt Nam rất nhiều trong các tác phẩm và các tổ chức chính trị. Chẳng hạn như tác phẩm Việt Nam vong quốc sử (1905) của Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (1925) và Hội Việt Nam độc lập đồng minh (1941)…
Đến ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, đứng trước gần một triệu nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tiếp theo đó, Hiến pháp năm 1946 chính thức thể chế hóa quốc hiệu Việt Nam. Từ đó, quốc hiệu Việt Nam được sử dụng phổ biến.
Đến ngày 2/7/1976, Quốc hội khóa VI đã ban hành nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, thủ đô, quốc ca… Theo đó, tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; quốc kỹ nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh; thủ đô là Hà Nội; quốc ca là bài "Tiến quân ca".
Tác giả: Thanh Huyền
-
Mùa lúa chín tuyệt đẹp sắp đến, đừng quên ghé thăm "mùa vàng" Hoàng Su Phì
-
Quả gì xưa chẳng ai ngó, nay thành đặc sản ‘hot hit’ vì hương vị độc lạ, vừa ngon vừa hiếm?
-
Bạn có biết, vị Tể tướng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam là ai?
-
Mỹ nhân Việt 3 lần từ chối nhập cung, nhà Vua phải đến tận nơi đón, bà là ai?
-
Vị vua lên ngôi khi đang ở tù? Có 3 người con rể làm vua