Thành F0 sau khi thu tiền trọ, thanh niên hối hận vì nửa phút bất cẩn: 'Tôi tập ngửi dầu gió mỗi ngày'

( PHUNUTODAY ) - Chỉ vì chủ quan nửa phút đồng hồ, nghĩ rằng toàn người thân quen thì không lo nhiễm bệnh. Ai ngờ, nửa phút ấy suýt đánh đổi bằng một mạng người.

Trở về sau 24 ngày điều trị Covid-19, anh Phạm Quyết Thắng (30 tuổi, ngụ TP.HCM) giật mình khi nhớ lại khoảng thời gian nhiễm bệnh. Thắng cho biết, anh nhiễm Covid-19 trong lần đi thu tiền phòng trọ tại dãy trọ của gia đình.

Thường ngày, khi ra đường, Thắng đều tuân thủ quy tắc 5K. Thế nhưng hôm ấy, anh không chú ý phòng bệnh vì nghĩ rằng đang đến gặp những người thân quen. Thắng quên đeo khẩu trang và tiếp xúc với người nhiễm bệnh chỉ trong khoảng nửa phút rồi rời đi.

Ba ngày sau, anh thấy đầu đau như búa bổ, sốt cao 38,5 - 39 độ và ngủ li bì. Sau đó, nhân viên y tế phường gọi điện thông báo dãy trọ của anh có người dương tính với Sars-Cov-2. “Lúc này, tôi mới xác định mình đã nhiễm Covid-19 chứ không phải cảm cúm thông thường”, anh kể thêm.

Anh Thắng vô tình trở thành F0 do bất cẩn nửa phút

Sau 4 ngày sống trong khu cách ly, bệnh anh Thắng trở nặng, anh không chỉ sốt mà còn ho, đau rát họng. Khi nuốt bất cứ thứ gì, anh luôn có cảm giác cổ họng như bị gai nhọn đâm, xé rách toang. Anh không còn cảm nhận được mùi vị, nhai ớt cũng không còn cảm giác cay, nhét dầu gió vào mũi cũng không bị sặc, anh được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) điều trị.

Những ngày giành giật sự sống

Thắng kể: “Tôi vẫn nhớ các ngày 19, 20, 21/7 bởi đây là những ngày quyết định. Những ngày này, cảm giác khó thở, tức ngực bắt đầu xuất hiện. Khi ngủ, tôi liên tục bị giật mình thức giấc vì không thở được”.

“Mỗi khi hít thật sâu, tôi lại có cảm giác đau tức ngực. Tôi sợ lắm vì chỉ cần ngủ một chút là khó thở. Tôi uống mật ong gừng để giảm đau họng. Mỗi ngày, bác sĩ phát cho tôi 1 viên Vitamin C để uống”, anh kể thêm.

Thắng nói rằng, những ngày đau tức ngực, anh không thể ngủ. Anh lo nghĩ rồi sợ. Đặc biệt, khi chứng kiến những bệnh nhân có tuổi chuyển nặng và có người gục ngã, anh càng thêm lo lắng. Thế rồi giữa những phút giây tưởng chừng tuyệt vọng, anh nhìn thấy hình ảnh lạc quan của cụ bà đang được điều trị cùng phòng.

Anh chia sẻ: “Cụ 84 tuổi rồi và cũng là F0 đang được điều trị như tôi. Thế nhưng, cụ không bao giờ tỏ ra mệt mỏi mà lúc nào cũng tươi vui, lạc quan”.

“Điều này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bệnh nhân trong đó có tôi. Tôi nghĩ rằng, cụ đã 84 tuổi mà vẫn yêu đời, vững tin vượt qua bệnh tật, những người trẻ như mình phải học tập và cố gắng để sớm khỏi bệnh. Từ đó, tôi luôn tin vào bản thân, tin vào các y bác sĩ và quyết tâm vượt qua bệnh tật”, anh nói thêm.

Sau đó, mỗi khi khó thở, Thắng cố gắng ngồi dậy, đứng lên, vẫy tay, hít thở để lấy oxy. Anh nghe theo lời bác sĩ cố gắng ăn dù lúc này không hề có cảm giác thèm ăn, mũi, miệng cũng không cảm nhận được mùi vị thức ăn.

Thắng “cắt nhỏ” ngày dài lê thê ngập tràn nỗi sợ trong bệnh viện bằng cách gọi điện cho người thân, xem hài. Anh tự khiến mình bận rộn bằng những suy nghĩ tích cực, đọc sách qua mạng hoặc lên nhiều kế hoạch và hứa sẽ thực hiện sau ngày xuất viện.

Nhiều ngày sau đó, Thắng cảm thấy các triệu chứng giảm dần. Khi ăn cơm, Thắng bắt đầu biết ngon dù mũi vẫn chưa thể nhận biết mùi hương. Để tìm lại khứu giác, mỗi ngày anh đều đưa chai dầu gió vào mũi để ngửi. Cuối cùng, anh cũng cảm nhận được mùi hương dù chỉ ngửi được ở khoảng cách gần.

Sau 3 lần kiểm tra âm tính, Thắng được xuất viện về nhà để tự cách ly 14 ngày. Cầm giấy xuất viện, anh vui mừng như thể vừa vượt qua một trận chiến lớn nhất cuộc đời. Thắng nói, anh chiến thắng Covid-19 bởi đã không để mình tuyệt vọng và luôn giữ vững niềm tin.

Nam thanh niên khuyến cáo: “Covid-19 chưa có thuốc chữa, chỉ có thể dựa vào sức đề kháng của mỗi người. Thế nên, chúng ta phải tuyệt đối tuân thủ các quy định phòng dịch, đừng để bị nhiễm bệnh. Hãy xem mọi người xung quanh đều là F0 để bản thân tự phải đề phòng, đảm bảo công tác phòng dịch.

“Trong thời gian nhiễm bệnh, chúng ta đừng quá hoang mang, lo lắng mà hãy giữ vững tinh thần, niềm tin vào các y bác sĩ. Mọi người cần ăn ngủ điều độ, đúng giờ, tăng cường uống nhiều nước, bổ sung Vitamin C, giữ ấm cơ thể, phơi nắng mỗi ngày… để đủ sức khỏe chống lại bệnh tật”, anh nói thêm.

Lắng nghe tâm sự của anh Thắng, thấy anh đáng thương hơn đáng trách. Qua đó, chúng ta cũng phải thấy rằng, virus dễ lây đến cỡ nào, chỉ nửa phút không mang khẩu trang, tất cả những gì chúng ta cố gắng gìn giữ bao ngày, đều tan thành mây khói. Phải chăng cũng vì lý do ấy, nên số lượng người mắc Covid mỗi ngày đều cao, chưa thể giảm xuống triệt để.

Sơ sẩy là điều không ai mong muốn, nhưng thực tế thì nhiều người vẫn còn chủ quan, thậm chí coi nhẹ. Họ cho rằng đó là bệnh cúm thông thường, uống chút thuốc sẽ khỏi. Thế nên mới có những người nửa đêm rủ nhau ra bờ hồ chạy bộ, lén tụ tập ăn uống vui chơi, lén đi thăm họ hàng, làng xóm. Những kẻ “cố tình” theo kiểu ấy, mới đáng bị lên án và phẫn nộ vô cùng.

Đừng bao giờ nghĩ mình an toàn, virus ở đâu xa, bệnh tật có thể ập đến bất cứ lúc nào. Vì thế, chúng ta cũng hãy lạc quan nhưng đừng chủ quan mọi người nhé. Nếu không may trở thành F0, hãy bình tĩnh khai báo, thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không trốn cách ly và làm mọi cách để tăng sức đề kháng cho mình.

Bên cạnh đó, xin mọi người hãy tuân thủ quy tắc 5K, dù điều này đã được nói ra rả ở khắp nơi nhưng vẫn có những lúc chúng ta bị lơ đễnh. Hãy nghĩ đến câu chuyện của anh Thắng, nửa phút thôi cũng nguy hiểm lắm rồi.

Sau cùng, nếu chúng ta chưa vào khu cách ly, chưa trải qua giây phút giữa sống và chết, chưa chứng kiến cảnh người thân đau đớn từ giã cõi trần, thì hãy cảm thấy may mắn và biết ơn, bởi chúng ta vẫn còn an toàn - đó mới là điều quan trọng nhất.

Tác giả: Thạch Thảo