Độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong năm 2025
Theo điều 169 Bộ luật Lao động 2019, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường quy định từ ngày 01/01/2021, độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam ở điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng và đối với lao động nữ ở điều kiện lao động bình thường là đủ 55 tuổi 04 tháng. Sau đó, cứ mỗi năm, độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Như vậy, đến năm 2025, độ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường đối với lao động nam là 61 tuổi 03 tháng và đối với lao động nữ là 56 tuổi 08 tháng.
Lao động tham gia đủ 15 năm bảo hiểm xã hội trở lên, đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng hưu trí
Ngày 29/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, trong đó có sự thay đổi về số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu.
Theo đó, Luật sử đổi quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được hưởng hưu trí.
Do luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 nên tuổi nghỉ hưu đủ 61 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và 56 tuổi 08 tháng đối với lao động nữ.
Theo quy định cũ, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội 20 năm trở lên, đủ tuổi nghỉ hưu mới được hưởng hưu trí.
Điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi không chỉ giảm số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng hưu trí của người lao động mà còn điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam.
Việc giảm năm đóng bảo hiểm xã hội và giữ nguyên công thức tính lương hưu cũ tạo ra sự chênh lệch trong mức hưởng giữa lao động nam và nữ. Do đó, luật sử đổi quy định lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 15 đến dưới 20 năm thì mức hưởng bằng 40% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm một năm tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động được hưởng thêm 1% tỷ lệ hưởng lương hưu. Từ năm tham gia bảo hiểm xã hội thứ 20 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam là 45%, cứ mỗi năm tham gia được tính thêm 2% cho tới khi được hưởng tối đa 75%.
Đối với lao động nữ, khi tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu, tỷ lệ hưởng lương hưu là 45% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng. Sau đó, mỗi năm tham gia được hưởng thêm 2% cho đến khi đạt mức tối đa 75%.
Để được hưởng lương hưu tối đa 75% thì lao động nam phải tham gia bảo hiểm xã hội 35 năm, con số này đối với lao động nữ là 30 năm.
Người về hưu trước tuổi bị trừ 2% cho mỗi năm.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Điều khiển xe không có gương chiếu hậu sẽ bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
-
Thứ xưa ít ai biết nay thành đặc sản dân phố thích mê, 180.000 đồng/kg vẫn săn lùng mua
-
Ghé thăm vườn trái cây ‘nghe chua mà ngọt’, nông dân hốt bạc triệu mỗi vụ
-
Khám chữa bệnh vượt tuyến được hưởng bảo hiểm y tế như thế nào?
-
Từ 7/2024: Người dân đi xe máy không mang theo Bảo hiểm bắt buộc, chẳng lo CSGT xử phạt đúng không?