Thường xuyên bị chuột rút khi ngủ hãy coi chừng 4 căn bệnh nguy hiểm, có thể bạn cần đi khám ngay

( PHUNUTODAY ) - Chuột rút không chỉ gây ra đau đớn, khó chịu mà nó còn có thể là dấu hiệu cảnh báo một số loại bệnh. Chúng ta không nên chủ quan.

Chuột rút là tình trạng khiến cho người bệnh cảm thấy đau dữ dội, chân tê cứng. Có nhiều nguyên nhân gây ra chuột rút. Nó có thể là tình trạng do sinh lý nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh.

Về sinh lý, khi cơ thể bị lạnh, mạch co lại dẫn tới co cứng chân. Khi vận động gắng sức, cơ chân co quá mạnh và không có đủ thời gian thư giãn, phục hồi cũng gây ra chuột rút. Việc mệt mỏi quá sức chịu đựng của cơ thể do chạy bộ, leo núi cũng gây ra chuột rút.

Nếu chuột rút do bệnh lý, có thể bạn sẽ cần đi khám.

Thiếu canxi

Thiếu canxi là một trong những lý do khiến bạn dễ bị chuột rút. Khi nồng độ ion canxi trong máu quá thấp, các cơ dễ bị hứng phấn và có thể dẫn tới tình trạng chuột rút. Phụ nữ mang thai, thanh thiếu niên có nhu cầu canxi cao thường dễ bị chuột rút hơn.

Thông thường, nếu cơ thể thiếu canxi, đầu tiên người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng đau nhức, chân tay ê ẩm. Ở trường hợp nghiêm trọng, chuột rút ở chân sẽ xảy ra. Nếu do nguyên nhân này, nên ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng canxi cao hơn để bù đắp phần cơ thể đang thiếu.

Suy giãn tĩnh mạch chân hoặc có huyết khối tĩnh mạch sâu

Những bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch chân hoặc có huyết khối tĩnh mạch sâu nếu nằm ở một tư thế trong thời gian dài khi ngủ sẽ làm tĩnh mạch chân bị dồn nén, dòng chảy ngược lại. Khi máu bị dồn ứ đến mức độ nhất định, nó sẽ gây ra đau chân và chuột rút.

Thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Các nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có nguy cơ cao bị chuột rút. Nguyên nhân chủ yếu là do dây thần kinh cột sống bị chèn ép làm giảm lưu lượng máu bên trong. Tình trạng này hay xảy ra ở người cao tuổi, cần đặc biệt chú ý.

Viêm tắc động mạch chi dưới

Người cao tuổi dễ bị xơ cứng động mạch do có tiền sử tăng mỡ máu, tăng đường huyết, tăng huyết áp. Những tình trạng này làm quá trình tuần hoàn máu ở chân diễn ra không tốt, dễ bị tắc nghẽn và dẫn tới tình trạng thiếu máu cục bộ. Dấu hiệu bệnh điển hình nhất là chuột rút.

Chuột rút rất khó chịu, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, đặc biệt là chuột rút khi ngủ tác động lớn đến giấc ngủ, sức khỏe của người bệnh. Để chữa chuột rút và ngăn ngừa tình trạng này tái phát, bạn nên gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó mới tìm ra cách chữa trị hiệu quả.

Cách đối phó với tình trạng chuột rút đột ngột

Khi bị chuột rút đột ngột, bạn có thể nhờ người nhà chườm nóng bằng cách dùng khăn nhúng nước nóng rồi chườm trực tiếp lên vùng bị chuột rút rồi xoa bóp để giảm đau.

Không uốn cong chân khi bị chuột rút, điều này chỉ khiến cơn đau kéo dài hơn. Nên duỗi thẳng chân, kéo các cơ bị rút trở lại vị trí ban đầu.

Tác giả: Thanh Huyền