Tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 nhưng không dám ra đường: Có thể bạn đang mắc một hội chứng đặc biệt

( PHUNUTODAY ) - Không ít người cảm thấy khó khăn khi tái hòa nhập cộng đồng sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch khác.

Dù tiêm phòng đầy đủ nhưng nhiều người vẫn không dám ra đường

Tháng 11/2020, Andrea King Collier mắc Covid-19 nhưng cô vẫn đăng ký tiêm vắc xin. Ngày 21/2/2021, cô hoàn thành mũi tiêm thứ 2.

Đến ngày 8/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ thống báo rằng những người đã tiêm chủng được tham gia các hoạt động bình thường như tụ tập trong nhà không cần đeo khẩu trang. Tuy nhiên, Andrea không hào hứng. Cô sợ mắc bệnh trở lại.

Kể từ đó, Andrea không ra nhà hàng ăn hay gặp gỡ bất cứ ai. Cô cũng không dám tưởng tượng đến việc đi máy bay đến một ơi nào đó trong tương lai gần dù trước đây Andrea là người đam mê du lịch.

Andrea không phải là trường hợp duy nhất. Rất nhiều người trên thế giới đang có suy nghĩ tương tự.

Nhiều người dù được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn không dám ra đường. (Ảnh minh họa)

Những người này hiểu rõ ý nghĩa của giãn cách xã hội và sợ trở lại cuộc sống bình thường dù được tiêm phòng đầy đủ. Họ gặp khó khăn khi chuyển sang tình trạng bình thường mới.

Các nhà nghiên cứu còn đặt tên cho trạng thái tâm lý này là hội chứng hang động (Cave Syndrome).

Jacqueline Gollan – Giáo sư Tâm thần học và Khoa học Hành vi tại Đại học Northwestern cho biết: "Những thay đổi liên quan đến đại dịch đã tạo ra rất nhiều nỗi sợ hãi và lo lắng vì nguy cơ bệnh tật, tử vong. Mặc dù đã được tiêm phòng, họ vẫn có thể cảm thấy khó khăn để loại bỏ nỗi sợ hãi đó bởi vì họ đã đánh giá quá cao nguy cơ và xác suất nhiễm bệnh". Bà đánh giá rằng, sẽ mất thời gian để những người gặp vấn đề tâm lý này điều chỉnh lại trạng thái.

Nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý Mỹ cho thấy, 49% người tham gia khảo sát không thoải mái với việc tương tác trực tiếp với người khác khi đại dịch kết thúc; 48% người đã được chích ngừa cũng có cảm giác tương tự.

Alan Teo – Phó Giáo sư Tâm thần học tại Đại học Khoa học và Sức khoẻ Oregon cho rằng hội chứng hang độ này được hình thành do 3 yếu tố gồm thói quen, nhận thức về rủi ro và kết nối xã hội.

"Chúng ta phải học thói quen đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, giãn cách xã hội, không mời bạn bè đến nhà. Rất khó để bỏ một thói quen một khi bạn đã hình thành nó", vị chuyên gia này chia sẻ.

Ông cũng cho rằng nhiều người lo sợ về nguy cơ nhiễm bệnh hơn là sự cô đơn, mất kết nối với xã hội.

Sau đại dịch, mọi người sẽ phải đến nơi làm việc, học tập, tham gia các hoạt động giao lưu... Trên thực tế, nhiều người gặp phải tình trạng lo lắng về việc mặc gì, tình trạng thiếu kết nối với bạn bè, căng thẳng nơi làm việc... Điều này khiến họ có nhu cầu tiếp tục ở nhà.

Cách thoát khỏi hội chứng hang động

Khi xã hội dần quay trở lại nhịp sống bình thường, những người mắc hội chứng hang động cũng cần phải tìm cách để hòa nhập. Đôi khi cảm giác miễn cưỡng hoặc không thoải mái khi tham gia một hoạt động nào đó là điều hết sức bình thường.

Nếu nhận thấy mình mắc phải hội chứng hang động này, bạn có thể thử áp dụng mẹo nhỏ dưới đây để cải thiện tâm trạng, cảm xúc và sẵn sàng cho trạng thái bình thường mới.

- Sống trong hiện tại: Tập trung vào thời điểm hiện tại và xác định xem điều gì đang khiến bạn khó chịu khi bước ra khỏi nhà. Biết được điều đó, bạn mới có thể tìm cách phù hợp để vượt qua nỗi sợ hãi.

- Thay đổi thái độ: Hãy suy nghĩ về những điều tích cực khi chúng ta quay lại trạng thái bình thường mới như được đi làm và gặp đồng nghiệp; thường xuyên tụ tập với bạn bè, gia đình. Những điều này có thể giúp ích cho bạn. Hãy tránh nghĩ về những điều tiêu cực để giảm bớt căng thẳng cho bản thân.

- Nhớ lại những ngày trước khi có Covid-19: Hãy nhớ lại khoảng thời gian trước đây và những điều tuyệt vời bạn đã làm như hẹn hò, đi xem phim, đi du lịch... Điều này sẽ giúp bạn tăng cường suy nghĩ tích cực và sớm thoát khỏi trạng thái sợ hãi, lo âu.

Tác giả: Thanh Huyền