Bảo quản tôm với đường
Thay vì cho tôm vào tủ lạnh ngay sau khi mua về, bạn có thể làm thêm một bước sơ chế.
Tôm mua về nên ngâm một lúc trong nước cho sạch rồi đem rửa vài lần để loại bỏ hết bùn đất, chất bẩn.
Sau đó, dùng khăn giấy để thấm khô bề mặt tôm và chuẩn bị bảo quản.
Ở bước này, bạn không nên cho toàn bộ tôm vào hộp cùng một lúc mà nên xếp tôm theo lớp. Sau khi xếp được lớp đầu tiên, hãy rắc một ít đường trắng lên trên. Tiếp tục xếp thêm một lớp tôm rồi lại một lớp đường. Cứ làm như vậy cho đến khi hết tôm. Lớp cuối cùng sẽ là đường trắng. Đậy nắp hộp lại và bỏ vào ngăn đá tủ lạnh.
Nên chia tôm thành nhiều hộp nhỏ vừa đủ cho một bữa. Như vậy sẽ tiện cho việc chế biến, không làm ảnh hưởng đến chất lượng của cả mẻ tôm lớn.
Việc cho đường sẽ giúp khóa độ ẩm, làm tôm không bị mất nước. Nhờ vậy, tôm sẽ có vị tươi mềm.
Khi ăn chỉ cần lấy tôm ra và rã đông tự nhiên, không nên ngâm nước.
Bảo quản tôm với nước và muối
Tôm tươi mua về rửa sạch cho hết bùn đất rồi ngâm vào trong nước đá lạnh cho tôm "ngất".
Xếp tôm đã "ngất" vào hộp rồi đổ nước muối loãng vào đến khi tôm ngập hoàn toàn trong nước.
Đậy kín nắp hộp và để trong ngăn đá tủ lạnh.
Với cách này, nước sẽ đóng băng và tạo thành lớp ngăn cách tôm với không khí bên ngoài, làm chậm quá trình oxy hóa của tôm. Đá lạnh cũng giúp giảm tiếp xúc với sinh vật bên ngoài. Lớp băng đá cũng giữ ẩm và giữ hương vị cho tôm. Do đó, tôm sẽ giữ được độ tươi ngon lâu hơn.
Khi cần chế biến, bạn có thể rã đông tôm theo cách sau:
- Xả thẳng nước vào cục đá có tôm để đá tan nhanh. Khi đá tan thì nhanh chóng đem tôm đi chế biến. Không nên để tôm rã đông quá lâu vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến hương vị của tôm.
- Nếu không cần chế biến ngay, bạn có thể rã đông tôm trong chậu nước đá lạnh. Đá sẽ tan từ từ giúp tôm mềm ra mà không làm ảnh hưởng đến hương vị cũng như chất lượng của tôm.
Lưu ý, chỉ pha nước muối loãng, không ngâm tôm trong nước muối đậm đặc vì nó có thể khiến tôm bị mặn, làm hỏng hương vị.
Không để tôm đông đá tự rã đông (để đá tự tan) trong môi trường nhiệt độ thường vì như vậy chất lượng của tôm sẽ giảm. Không nên ngâm tôm trong nước có lâu vì thịt dễ bị bở, long đầu.
Nên chia tôm thành từng phần vừa đủ cho một bữa ăn rồi mới đem cấp đông.
Bảo quản tôm trong chai nhựa
Bạn có thể tận dụng các chai nhựa để bảo quản tôm. Tôm mua về cũng rửa sạch cho hết bụi bẩn.
Sau đó, cho tôm vào trong các chai nước khoáng sạch. Mỗi chai chỉ để đủ lượng tôm cho một bữa ăn. Đổ nước vào chai cho ngập tôm và vặn chặt nắp. Để chai tôm vào trong ngăn đá tủ lạnh.
Với cách này, tôm sẽ được cách ly khỏi không khí, thêm nước giúp tôm giữ được độ ẩm. Cách này còn giúp tôm không có mùi.
Khi cần chế biến, bạn lấy một chai ra. Mở nắp chai và xả thẳng nước vào bên trong. Khối đá có tôm sẽ nhanh chóng tách ra khỏi thân chai. Lúc này, hãy lấy dao hoặc kéo cắt chai và lấy tôm ra ngoài.
Lưu ý, không đổ nước quá đầy chai vì khi đông đá, thể tích của nước sẽ tăng lên. Đổ nước quá đầy sẽ khiến chai bị phồng, méo, thậm chí là vỡ trong quá trình bảo quản.
Hấp hoặc luộc sơ rồi mới bảo quan
Tôm mua về rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn sau đó để ráo nước.
Cho một chút nước vào nồi, thêm một ít muối và đun sôi.
Cho tôm tươi vào luộc 2 phút là vớt ra để ráo. Nếu không luộc, bạn cũng có thể hấp tôm trong khoảng 2 phút cho tôm vừa chín tới thì gắp ra.
Chuẩn bị hộp để bảo quản tôm. Chia tôm thành nhiều phần vừa đủ cho bữa ăn và bỏ vào hộp, đậy nắp kín.
Để tôm vào ngăn đá tủ lạnh, khi ăn thì lấy ra hâm nóng hoặc chế biến thành món ăn tùy sở thích của gia đình.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Pha muối trắng xịt vào gương nhà tắm: Mẹo hay đừng bỏ phí
-
Rút tiền bị nuốt thẻ ATM: Làm ngay thao tác này để lấy lại nhanh chóng, không tốn thời gian chờ đợi
-
Tại sao nên bật điện nhà vệ sinh khi ngủ trong khách sạn: Lý do quan trọng ai không biết mất quyền lợi
-
Hoa sen và hoa quỳ giống nhau y đúc, đây là cách phân biệt để tránh mua nhầm
-
Lỡ tay nấu mặn đừng vội cho nước lã, thêm 1 nguyên liệu đặc biệt để giảm độ mặn, giúp món ăn tròn vị