Tổng giám đốc biến thành người tàn phế sau ca phẫu thuật

( PHUNUTODAY ) - Sau ca mổ, ông Trịnh Quang Sơn, Tổng giám đốc của một công ty TNHH rơi vào cảnh bị tàn phế từ hơn 1 năm qua.

Gia đình ông Sơn liên tục gửi đơn tố cáo bệnh viện vi phạm các qui định về khám bệnh, chữa bệnh. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời từ phía bệnh viện và các cơ quan chức năng.

Nỗi đau gia đình người bệnh

Chị Trịnh Thị Thuỳ Dương (SN 1986, con gái ông Sơn) trình bày trong nước mắt: Tháng 7/2015, ông Sơn mắc bệnh ở vùng mắt. Theo giới thiệu của người quen, ông Sơn tin tưởng đến Bệnh viện Đai học Y dược TP.HCM để khám lại và điều trị từ ngày 10/8/2015. Bác sĩ Trần Quốc Tuấn chẩn đoán ông Sơn bị “rò động mạch chủ xoang hang”, sau đó cho về và hẹn lịch mổ vào ngày 21/8/2015.

 Ông Sơn chịu cảnh tàn phế sau ca mổ.

Ngày 21/8/2015, ông Sơn đến bệnh viện làm thủ tục, đến 14g00 cùng ngày, bác sĩ Tuấn cùng ê kíp tiến hành mổ. Khoảng 16 giờ, ca mổ hoàn tất, ông Sơn được đưa lên phòng nghỉ ngơi.

Chị Dương nhớ lại: “Khoảng 4 giờ sau, chúng tôi phát hiện bố không kiểm soát được bài tiết nên hoảng hốt lắc gọi nhưng bố tôi chỉ lơ mơ. Chúng tôi báo ngay bác sĩ trực, đến sáng 22/8/2015, ba tôi mất nhận thức, cơ thể bất động...”.

Đến chiều cùng ngày, ông Sơn vẫn hôn mê, bệnh viện chụp MR cắt lớp não và thông báo cho gia đình ông Sơn bị trào máu não. Sau đó, ông Sơn được chuyển vào diện săn sóc đặc biệt tại Khoa nội thần kinh. Hiện ông Sơn bị mù mắt phải, tứ chi co rút, cơ cứng và bị liệt, sức khỏe rất yếu, đang điều trị khắc phục hậu quả tại bệnh viện trong tình trạng không còn nhận thức.

Gia đình ông Sơn nhiều lần đề nghị bệnh viện công khai nguyên nhân, làm rõ về những vi phạm trong qui trình khám, chẩn đoán, mổ và điều trị. Chị Dương bức xúc: “Đến nay, phía bệnh viện cũng chưa giải thích nguyên nhân sự việc hay nhận trách nhiệm trong ca mổ này mà chỉ đề xuất chi hỗ trợ 600 triệu đồng và đề xuất gia đình đưa ba tôi về nhà. Trong khi đó, chi phí khám điều trị bệnh cho ba tôi đã hơn 2 tỷ đồng”. Do đó, gia đình ông Sơn gửi đơn tố cáo bác sĩ Tuấn, cho rằng bác sĩ còn trẻ, không đủ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm để thực hiện ca mổ, yêu cầu làm rõ phác đồ phẫu thuật chữa bệnh cũng như trách nhiệm của bệnh viện.

Ông Nguyễn Đức Khỏe, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Nga cho biết trước khi phẫu thuật, ông Sơn đi khám sức khoẻ và thực hiện các xét nghiệm cho thấy ông không có dấu hiệu bệnh lý hay bệnh hiểm nghèo nào khác ngoài bệnh “rò động mạch xoang hoang”. “Chúng tôi muốn biết bác sĩ Tuấn có bao nhiêu năm kinh nghiệm và đã tự làm được bao nhiêu ca thành công đối với chứng bệnh này mà được giao phẫu thuật cho ông Sơn?”, ông Khỏe trăn trở.

Ông Khỏe cho biết Công ty TNHH Việt Nga đang thực hiện dự án khu du lịch nghỉ mát Việt Nga tại Côn Đảo. Hậu quả từ ca phẫu thuật biến ông Sơn thành tàn phế, không thể điều hành đối với dự án tại Côn Đảo, ông cũng chưa kịp chỉ đạo hay bàn giao công việc. Do đó doanh nghiệp phải chịu nhiều thiệt hại rất nặng nề, phải bồi thường hợp đồng cho nhiều đối tác.

Cán bộ bệnh viện nói gì?

Xác minh tại Bệnh viện, chúng tôi chứng kiến bệnh nhân Sơn bại liệt, không nói được và thể hiện dấu hiệu mất năng lực nhận thức. Liên hệ làm việc với Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, phóng viên báo Công lý được Phòng Hành chính giới thiệu trao đổi với ông Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Công tác xã hội. Ông Hùng cho biết: “Tôi không trả lời được gì trong này vì thứ nhất tôi không phải là bác sĩ; thứ hai, để trả lời đơn thì chúng tôi phải thành lập một hội đồng chuyên môn”.

 Ông Sơn bị mù một mắt, không nghe, không nói được.

Theo ông Hùng, đơn của chị Dương yêu cầu Bộ Y tế thành lập hội đồng, thanh, kiểm tra toàn diện và yêu cầu bệnh viện thực hiện nghĩa vụ bồi thường (tạm tính trong đơn là 10 tỷ đồng-PV). “Để thực hiện nghĩa vụ bồi thường, có hay không có thì phải quyết định từ một cơ quan thứ 3 hoặc cơ quan cấp trên của bệnh viện là Bộ Y tế. Các đơn vị cấp trên hoặc Tòa án, Viện kiểm sát, Công an có quyết định mà Bệnh viện Đại học Y dược sai trong quy trình khám, chuẩn đoán và xác định mức độ thiệt hại thì chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng chỉ đạo của các cơ quan đó”.

Sau khi xem đơn tố cáo, ông Hùng còn đặt câu hỏi về tư cách tố cáo của chị Dương, con gái bệnh nhân Sơn. “Ngoài cô Dương thì ông này (ông Sơn) còn nhiều người con và nhiều người vợ nữa, vậy thì ai là người đứng cái đơn tố cáo này cho hợp lý và hợp pháp? Chị này muốn tố cáo Bệnh viện Đại học Y dược thì chị này phải có ủy quyền của nhiều người khác”. Chúng tôi không khỏi bất ngờ trước quan điểm trên của ông Hùng bởi Luật Tố cáo quy định công dân có quyền gửi đơn tố cáo.

Ngoài ra, ông Hùng khẳng định đây là một ca điều trị phức tạp, “Tôi tiếp nhận đơn và sẽ chuyển đơn này cho giám đốc, bệnh viện sẽ có văn bản phản hồi".

Ông Hùng cho biết thêm: “Việc tai biến, biến chứng xảy ra trong y khoa thì tất cả có ghi nhận trong y văn, trong tỷ lệ hết. Giống như quy luật của tạo hóa, sinh, lão, bệnh, tử... việc can thiệp vào quy luật đó, thì mình đâu phải thần thánh gì đâu mà mình có thể can thiệp được” (?!).

Những câu hỏi về bác sĩ, phương pháp điều trị, nguyên nhân biến ông Sơn từ một doanh nhân trở thành người tàn phế sau ca mổ vẫn chưa có câu trả lời. Những khiếu tố của gia đình bệnh nhân về minh bạch thông tin chưa được đáp ứng. Vụ việc rất cần được các cơ quan chức năng sớm làm rõ và giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Đây không phải lần đầu tiên bệnh nhân biến thành người tàn phế sau phẫu thuật. Trước đó, một bệnh nhân khác cũng bị tàn phế sau khi mổ sạn thận.

 Bệnh viện BVĐKKV mổ sạn thận nhưng làm bà Hu phải cắt cụt cả tay và chân. Riêng chân bị cắt cụt tới khớp gối.

Theo bà Trần Thị Hu (sinh năm 1961, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM), sau khi bị tật nguyền bà đã làm đơn khiếu nại đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi (BVĐKKV), TP.HCM yêu cầu bệnh viện này chịu trách nhiệm với những thương tật đã gây cho bà. Tuy nhiên, bệnh viện nhiều lần hứa hẹn giải quyết và cuối cùng đã chối bỏ trách nhiệm của mình. Quá bức xúc, vào đầu tháng 6.2015 vừa qua, bà Hu đã làm đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng.

Bà Hu cho biết, vào khoảng đầu tháng 9.2009, bà bị sạn thận lên cơn đau dữ dội, gia đình đưa bà đến BVĐKKV Củ Chi để cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã đưa bà đi phẫu thuật để lấy sạn thận. Sau khi mổ sỏi thận, tỉnh dậy bà thấy tay chân tím tái, người mệt khó thở.

Sau đó, BVĐKKV Củ Chi đã chuyển bà đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Tuy nhiên, do tình trạng tay, chân của bà đang dần hoại tử, để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy buộc phải đoạn chỉ cả 2 chân và 2 tay.

“Đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đã quá cẩu thả, thiếu trách nhiệm trong quá trình phẫu thuật đã làm tắc nghẽn mạch máu, máu không lưu thông để nuôi tứ chi dẫn đến bị hoại tử và phải cắt bỏ cả tay lẫn chân. Tôi vốn là một người lành lặn đi làm để lo cho cuộc sống gia đình, nay tàn phế, không làm gì được để lo cho cuộc sống nhưng bệnh viện lại chối bỏ trách nhiệm”, bà Hu tỏ vẻ bức xúc.

Cũng theo bà Hu, trước đó bà đã nhiều lần tìm đến gặp lãnh đạo BVĐKKV Củ Chi, TP.HCM thì bị nhân viên bệnh viện này tránh né không tiếp.

“Lần này tui đã gửi đơn đến Hội đồng nhân dân TP.HCM, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, UBMT TQ TP, Sở Y tế TP.HCM đề nghị làm sáng tỏ những sai sót của bệnh viện này đã gây ra, khiến tui bị tàn phế. Đồng thời, tôi cũng yêu cầu BVĐKKV Củ Chi đưa tui đi giám định tỷ lệ thương tật để làm cơ sở pháp lý bồi thường theo đúng quy định của pháp luật”, bà Hu cho biết.

Bệnh viện không lường trước hậu quả

Ngày 7.9 trao đổi với phóng viên báo Một Thế Giới, bác sĩ Huỳnh Văn Hy, Phó giám đốc BVĐKKV Củ Chi cho biết, sau khi bà Hu gửi đơn khiếu nại đến Sở Y tế TP và một số cơ quan chức năng khác, ngày 26.8, BVĐKKV Củ Chi đã có văn bản giải trình vụ việc trên với Thanh tra sở Y tế TP.HCM.

Ông Hy cho biết, bà Hu nhập viện vào lúc 19 giờ 45 phút ngày 9.1.2009 trong tình trạng mủ quanh thận do sỏi thận. Bệnh nhân bị sốt, đau hông lưng trái, mệt mỏi. Đặc biệt, bệnh nhân vật vã, tiếp xúc chậm, da nổi bông tím, mạch chỉ còn 88 lần/phút, huyết áp rất thấp (chỉ có 60/40mmHg), nhịp thở 16 lần/phút… Bệnh viện đã điều trị chống sốc, dùng thuốc vận mạch, bù dịch điện giải, kháng sinh, bệnh nhân tạm ổn được chuyển vào khu điều trị hồi sức tích cực để tiến hành hội chẩn. Các bác sĩ đã chẩn đoán, bệnh nhân bị nhiễm trùng đường niệu quản bên trái, thận ứ nước độ 2.

Đến 10 giờ ngày 10.1 ca phẫu thuật thành công. Các bác sĩ đã lấy được sỏi niệu quản, đặt ống thông niệu quản dẫn lưu ra nhiều mủ đục. Tuy nhiên, đến 5 giờ 20 ngày 11.1, bệnh nhân bị đau nhức ở các đầu chi, tay chân lạnh, nhiều ban tím rải rác ở cẳng tay và cẳng chân.

Bệnh viện tiến hành hội chẩn và kết luận, bệnh nhân bị biến chứng tắc mạch chi, tiên lượng rất nặng. Sau đó, BVĐKKV Củ Chi đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết, biến chứng tắc mạch chi và được chỉ định cắt cụt tứ chi.

“Hội đồng chuyên môn của bệnh viện nhận định, việc biến chứng tắc mạch chi là do hậu quả của quá trình sốc nhiễm trùng – một trong những biến chứng nặng nề có nhiều khi xảy ra nhiễm trùng huyết do sỏi niệu quản và thận trái ứ nước độ 2. Trước khi mổ chúng tôi có tư vấn cho người nhà rất rõ ràng. Đây là một ca nặng, bệnh nhân bị sốc là do mủ quanh thận”, bác sĩ Hy cho biết.

Tuy nhiên, điều đáng nói trong trong tình tiết mà bác sĩ Hy đưa ra quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân Hu là trong lúc bệnh nhân Hu còn lơ mơ, vật vã, huyết áp tụt nhưng ê kíp bác sĩ phẫu thuật của bệnh viện này đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Chính ông Hy cũng thừa nhận, khi bệnh nhân bị sốc, huyết áp thấp và khi đó những mạch máu ra ngoài chi bị thiếu máu nuôi khiến các chi bị tệ liệt và hoại tử.

Vấn đề đặt ra, vậy tại sao khi bệnh nhân dang bị sốc, huyết áp bị tụt, bệnh viện không điều trị nội khoa để huyết áp ổn định mới có thực hiện ca phẫu thuật?

Đây là một sai sót hay nói chính xác hơn là một sự thiếu hiểu biết trong quá trình trình thực hiện ca phẫu thuật này. "Chúng tôi cũng không lường trước hết những tình huống có thể xảy ra, chỉ muốn phẫu thuật gấp để cứu sống bệnh nhân. Vấn đề này, chúng tôi cũng đã giải thích cho gia đình bệnh nhân hiểu và chia sẻ”, ông Hy nói.

Tác giả: Vân Tiên