Trẻ từ 5-11 tuổi tiêm vắc xin gặp phản ứng này cần nhập viện ngay lập tức: Chuyên gia cảnh báo

( PHUNUTODAY ) - Nhóm tuổi từ 5-11 khi tiêm vắc xin sẽ gặp phải một số tác dụng phụ. Cha mẹ cần biết đâu là tác dụng nguy hiểm cần trợ giúp từ y tế.

Hiện nay, chủ trương tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi đang chuẩn bị được tiến hành. Tuy nhiên, có rất nhiều các bậc cha mẹ vẫn cảm thấy lo lắng vì độ tuổi này các bé còn khá nhỏ.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) cho biết, vắc xin tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi khi triển khai ở một số nước đã gặp một số phản ứng sau:

Phản ứng tiêm chủng thường gặp như: đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao với liều thứ 2), sưng tại vị trí tiêm.

Các phản ứng thường gặp nhất ở nhóm tuổi tứ 5-11 tuổi là sưng tại vị trí tiêm trên 80%, kiệt sức trên 50%, đau đầu trên 30%, tấy đỏ tại vị trí tiêm trên 20%, đau cơ và ớn lạnh trên 10%.

Một số phản ứng thường gặp: Buồn nôn, tấy đổ tại vị trí tiêm.

Phản ứng ít gặp: nổi hạch, phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù, mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm.

Phản ứng nặng: Rất hiếm gặp tỷ lệ 1/10.000 viêm cơ tim, viêm màng tim.

Bà Hồng cho biết: "Vắc xin tiêm cho trẻ em cũng mới cđược triển khai tiêm cho trẻ em từ đầu năm 2022 cho nên các phản ứng vẫn đang trong quá trình ghi nhận. Tuy nhiên chúng tôi chưa ghi nhận phản ứng viêm cơ tim, viêm ngoài màng tim tại các nước đã triển khai tiêm chủng".

Theo dõi trẻ sau tiêm để an toàn

Theo bà Hồng các phản ứng phản vệ sau tiêm hiếm gặp nhưng không được chủ quan. Do vậy cần phải chuẩn bị công tác xử lý tai biến nặng luôn phải sẵn sàng.

Các phản ứng nặng, trầm trọng sau tiêm ghi nhận ở nhóm tuổi 5-11 tuổi là thấp hơn so với các nhóm tuổi khác. Tuy nhiên, khi triển khai tiêm cho trẻ em cũng phải hết sức thận trọng theo dõi các phản ứng sau tiêm.

Cụ thể, trẻ cần phải được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút. Tiếp tục theo dõi trẻ trong 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.

Bà Hồng lưu ý: "Trong 3 ngày đầu sau tiêm cần phải có người theo dõi trẻ 24/24, tránh vận động mạnh. Trong những ngày đầu, đặc biệt vào ban đêm phải có người theo dõi trẻ để phát hiện những triệu chứng bất thường và đưa trẻ tới cơ sở y tế sớm".

Cần phải bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ. Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Ngoài ra, cần thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có: Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong quá trình theo dõi trẻ sau tiêm khi thấy một trong các dấu hiệu sau hãy liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện:

1, Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;

2, Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;

3, Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;

4, Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;

5, Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

6, Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;

7, Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;

8, Toàn thân:

- Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường

- Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn.

- Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt

Tác giả: Thạch Thảo