Trồng hoa giấy cứ làm đúng 3 chiêu này, hoa tuôn như suối, cả tháng không tàn

( PHUNUTODAY ) - Để cây hoa giấy ra nhiều hoa và hoa lâu tàn, bạn hãy chú ý những điểm dưới đây.

Kiểm soát nước

Khi trồng hoa giấy, kiểm soát nước là khâu cực kỳ quan trọng. Tùy vào từng giai đoạn mà lượng nước tưới cho cây hoa giấy sẽ có sự khác nhau.

Giai đoạn 1: Cây vừa mới trồng

Ở giai đoạn mới trồng, hệ rễ của cây còn yếu, bạn nên hạn chế tưới đẫm nước cho cây để tránh làm rễ cây bị úng và bị thối. Nên tưới nước cho cây 2 lần/ngày vào buổi sáng sớm và chiều muộn với lượng nước vừa phải.

Giai đoạn 2: Cây đang trong giai đoạn sinh trưởng

Nếu cây ở trong giai đoạn sinh trưởng, mọi cơ quan của cây hoa giấy đã ổn định, bạn nên tưới nước nhiều hơn để cây sinh trưởng mạnh và ra nhiều chồi, lá.

Giai đoạn 3: Chuẩn bị ra hoa

Ở giai đoạn chuẩn bị ra hoa, bạn cần hạn chế lượng nước tưới cho cây. Giảm một nửa lượng nước tưới cho cây trong vòng 1 tuần sau đó ngừng tưới. Khi lá bắt đầu có dấu hiệu héo và chồi hoa mọc lên thì có thể tăng dần lượng nước tưới.

Lưu ý, nếu bạn trồng cây hoa giấy mới thì thời điểm thích hợp nhất để trồng cây là tháng 4 và tháng 9. Trồng cây ở nơi có đủ ánh sáng và thoát nước tốt.

Chăm sóc cây sau khi nở hoa bằng phân bón

Sau khi hoa giấy nở (tầm 1 tháng), cây sẽ tiêu hao rất nhiều chất dinh dưỡng. Nếu không được bón phân, lượng hoa nở sẽ giảm dần thậm chí có cây không ra hoa. Để hoa giấy nở quanh năm và hoa nở đẹp, bạn cần bổ sung dinh dưỡng cho cây.

Lúc này cần bổ sung phân đa nguyên tố, phân tổng hợp để cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Sau khi bổ sung phân thì cần kiểm soát nước. Khi kiểm soát nước đồng thời bón thêm phân lân và kali khoảng 10 ngày một lần để thúc đẩy quá trình phân hóa mầm hoa và ra hoa nhiều hơn. Chỉ cần bón phân cho cây khoảng 3 lần là đủ.

Cắt tỉa cành

Cắt tỉa cành cho cây hoa giấy không chỉ giúp tạo tán hay dáng đẹp hơn mà còn giúp trẻ hóa những cây già cỗi, kích thích hoa ra nhiều hơn.

Bạn cần tỉa những cành dài để chúng ra chồi phụ, ngắt bớt lá già để cây phân hóa ra chồi hoa.

Lưu ý, dụng cụ cắt phải sạch. Nếu có điều kiện, nên dùng keo liền sẹo để bôi vào những vết cắt lớn sau khi tỉa cành để tránh bị nấm mốc xâm nhập.

Tác giả: Thanh Huyền