Cà phê là một thức uống phổ biến ở nhiều quốc gia. Có lẽ không có một chất kích thích nào được sử dụng rộng rãi và hợp pháp trên toàn thế giới như loại thức uống này. Cà phê có thể được bày bán dưới dạng hạt, dạng bột, dạng thức uống… tại khắp các cửa hàng, siêu thị. Bất kỳ ai cũng có thể mua cho mình một tách cà phê vào mỗi sáng.
Thành phần chủ yếu của cà phê là cafein. Cafein có tác dụng kích thích hoạt động của hệ thần kinh, làm gia tăng các hoạt động thể chất có liên quan đến hệ thần kinh như hoạt động trí não, gia tăng trạng thái thức tỉnh, gia tăng hoạt động tư duy, làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng hoạt động của cơ bắp... Qua đó, nó có tác dụng làm tăng sự hưng phấn tinh thần, tăng sự tập trung trí óc và hiệu quả làm việc.
Có không ít nghiên cứu chỉ ra rằng, những người uống cà phê ít có nguy hơn mắc các bệnh nguy hiểm hơn những người không uống. Và những người này thường chọn cách uống một tách cà phê vào mỗi buổi sáng. Tuy nhiên, khi uống cà phê bạn phải chọn thời điểm để không hại sức khoẻ.
Thời điểm không nên uống cà phê
Khi cà phê còn quá nóng: Nhiều người có thói quen uống cà phê ngay khi vừa pha xong, lúc vẫn còn rất nóng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tiêu thụ đồ uống nóng trên 65 độ C có thể tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Thông thường, các nhà hàng đều phục vụ cà phê ở nhiệt độ từ 63-79 độ C, nếu bạn pha cà phê ở nhà cũng sử dụng nước nóng tới 85 độ C. Vì vậy, hãy cố gắng chờ khoảng 5 phút, nhiệt độ cà phê lúc này sẽ ở mức an toàn dưới 65 độ C.
Khi bạn đang lo lắng, căng thẳng: Nếu bạn đang cảm thấy lo lắng, tâm trạng không tốt, cà phê có thể làm tình trạng này tồi tệ hơn. Caffeine trong cà phê có tác dụng kích thích lên hệ thần kinh, sản sinh ra hormone căng thẳng cortisol, ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây mệt mỏi, rối loạn nhận thức.
Thiếu ngủ: Nhiều người cho rằng cà phê là giải pháp tự nhiên giúp bạn tỉnh táo hơn khi buồn ngủ. Nhưng một nghiên cứu mới đây cho thấy caffeine sẽ không có tác dụng như vậy nếu bạn ngủ ít hơn 5 giờ mỗi ngày trong 3 đêm liên tục. Thiếu ngủ gây suy giảm đáng kể trong hoạt động nhận thức và caffeine không thể cải thiện được tình trạng này dù bạn uống nhiều.
Tác giả: Nguyễn Thị Vân Anh