Vì sao nước dừa được bác sĩ kiến nghị dùng cho F0: Có 4 nhóm người không nên sử dụng

( PHUNUTODAY ) - Nước dừa rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với các F0 đang điều trị tại nhà. Bổ sung nước dừa đúng cách có thể giúp người bệnh nhanh hồi sức.

Nước dừa chữa mất nước

Trương Phan Hồng Hà – Khoa Y, Đại học VinUni cho biết nước dừa chứa ít calo và chất béo nhưng giàu vitamin và các khoáng chất như sắt, kali, magiê, canxi và phốt pho. Đặc biệt, nước dừa có hàm lượng kali cao giúp cân bằng điện giải, làm tối ưu hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ miễn dịch cũng như hỗ trợ việc hấp thụ và điều tiết chất lỏng, giúp bù nước cho cơ thể.

Sự cân bằng điện giải trong nước dừa khá tương đồng với máu người vì vậy nước dừa có thể giải quyết tốt các vấn đề về tiêu hóa, bổ sung nước và điện giải cho cơ thể khi thời tiết nóng hoặc sau khi tập luyện nặng.

Ngoài ra, nước dừa còn có tác dụng chống oxyx hóa, giúp giảm tổn thương các tế bào. 

Tăng hệ miễn dịch và kháng virus

Phần cùi dừa có chứa nhiêu chất béo, đặc biệt là caprylic, capric, lauric có tính kháng khuẩn, kháng virus giúp tăng cường hệ miễn dịch, tiêu diệt mầm bệnh. Các nghiên cứu cho thấy nước dừa có thể chống lại các virus gây cảm lạnh, sốt thương hàn hoặc nhiễm trùng. Ngoài ra, nước dừa chứa nguồn axit lauric dồi dào. Khi đi vào cơ thể, chất này được chuyển hóa thành monolaurin - một chất có hoạt tính kháng virus và kháng khuẩn giúp chống lại giun đường ruột, ký sinh trùng...

Các nghiên cứu đánh giá về khả năng sử dụng nước dừa, dầu dừa trong chế độ ăn nhằm hỗ trợ bệnh nhân Covid- 19 đã và đang được tiến hành ở nhiều quốc gia ở châu Á Philippine, Ấn Độ, Indonesia... Trong đó, các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị uống nước dừa sau tiêm phòng hoặc sử dụng nước dừa cho F0 bị sốt hoặc trong giai đoạn phục hồi.

Uống bao nhiêu lít nước dừa trong 1 ngày?

Lượng nước dừa cần uống mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động và các yếu tố đi kèm khác của cơ thể. Tuy nhiên, dựa vào giá trị dinh dưỡng, các chuyên gia khuyên có thể uống 1-2 cốc nước dừa (khoảng 240 ml) một ngày với người khỏe mạnh.

Người bị bệnh tiểu đường, huyết áp thấp, suy thận hoặc bị rối loạn điện giải cần phải thận trọng và hỏi ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng. Những người tiểu đường hay suy thận, đang uống các thuốc giữ kali nên tránh uống quá nhiều nước dừa.

Một đối tượng là các bệnh nhân bị xơ nang cũng cân nhắc vì xơ nang dẫn tới giảm nồng độ muối trong cơ thể. Trong khi đó, nước dừa  chứa rất ít natri và quá nhiều kali, không phải là giải pháp để tăng lượng muối đối với người bị xơ nang.

Tác giả: Thanh Huyền