Vợ chi tiêu 25 triệu đồng/tháng cho gia đình, chồng chê hoang phí
Câu chuyện chi tiêu gia đình chưa bao giờ là hết nóng. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, việc chi tiêu của mỗi nhà lại có những vấn đề rắc rối riêng, đôi khi còn gây ra mâu thuẫn giữa vợ và chồng.
Chị C.V, một bà nội trợ đến từ Đồng Nai đăng đàn bức xúc khi bị chồng chê "không biết giữ tiền", tháng nào hai vợ chồng cũng phải cãi nhau về chuyện tiền nong.
Theo chia sẻ của chị V. vì dịch không buôn bán được nên mọi chi phí sinh hoạt hiện tại đang phải phụ thuộc vào thu nhập của chồng.
Nhà chị gồm 3 người lớn và 2 trẻ nhỏ. Mỗi tháng chi tiêu hết khoảng 25 triệu đồng. Đây là một con số khá lớn. Tháng nào, bà mẹ 2 con cũng phải tính toán đau đầu mà vẫn thiếu trước hụt sau, thậm chí có lúc còn phải đi vay mượn đề bủ vào khoản thiếu.
Thế nhưng việc làm chị V. bức xúc hơn là chồng không thông cảm cho vợ mà thường xuyên trách vợ tiêu xài hoang phí, không biết giữ tiết.
Chị V. quyết định đăng bảng chi tiêu của gia đình trong một tháng và nhờ hội chị em phân xử: "Theo mọi người nhà mình chi tiêu như vậy có nhiều không? Chứ mình đã rất tiết kiệm, ấy mà chồng còn trách cứ được.
Mỗi tháng đến kỳ nộp tiền học phí cho con, hay nộp lãi là chồng lại cằn nhằn, kêu vợ không biết cân đối, xài phung phí, vợ chồng lục đục mãi.
Nhiều lần mình bực quá, giao lại tiền cho anh giữ, nhưng cảnh chồng giữ tiền, mình đi chợ hay muốn mua gì cũng phải hỏi xin từng đồng cũng không ổn."
Sau khi xem bảng thống kê chi tiêu, mọi người tỏ ra thông cảm cho chị C.V.
Có thể thấy trong danh sách chi tiêu của chị V., gần 14 triệu đồng dùng để tiết kiệm, trả lãi ngân hàng và lãi vay của Hội Phụ nữ địa phương. Sau khi trừ đi các khoản này, gia đình 5 người của chị V. chi tiêu hết hơn 10 triệu đồng/tháng cho các khoản thiết yếu như ăn uống, học hành...
Nhiều người đánh giá đây không phải là mức chi tiêu hoang phí.
Chị C.V. còn tâm sự thêm, biết chồng vất vả kiếm tiền nên chị cũng tranh thủ vừa chăm con vừa bán hàng online. Tuy nhiên, anh chồng vẫn liên tục chê trách nên chị cảm thấy bức xúc: "Con mình đứa 6 tuổi, đứa 7 tuổi, không học bán trú nên mình phải đưa đón 2 lượt mỗi ngày, không đi làm công ty được. Trước Tết mình vẫn buôn bán đều đều, thu nhập khoảng 6-7 triệu/tháng nên tạm ổn.
Giờ dịch quá nên chỉ ở nhà cơm nước, dạy con học, chồng làm 20 triệu/tháng mà chi phí mỗi tháng gần 25 triệu nên mình toàn phải chạy vạy, vay mượn thêm bù vào. Stress lắm mà chồng không hiểu, cứ trách móc suốt".
Hội chị em bày tỏ sự cảm thông trước sự bức xúc của chị V. Bên cạnh đó, một số người đưa ra một số góp ý về cách chi tiêu sao cho hợp lý hơn để không phải rơi vào cảnh vay mượn, mâu thuẫn gia đình.
"Bạn chi tiêu khá tiết kiệm nhưng vẫn thiếu trước hụt sau là do bỏ ra gần 7 triệu góp tiết kiệm.
Trước đây buôn bán được không nói, giờ khó khăn thì nên dùng khoản đó để trả lãi ngân hàng, còn lại chi tiêu, như thế sẽ đỡ phải đau đầu tính toán", một tài khoản phân tích.
Một số mẹo tiết kiệm mà các bà nội chợ nên biết
Chi tiêu trong gia đình là một vấn đề gây đau đầu. Để cân đối thu chi, không rơi vào cảnh hụt trước thiếu sau, chị em nên chú ý tới một số điểm sau:
Ghi chép chi tiêu
Giống như cách chị V. đã làm, mỗi cá nhân, mỗi gia đình nên có một sổ ghi chép số tiền thu chi hàng tháng (có thể dùng sổ giấy, bảng tính excel hoặc các ứng dụng trên điện thoại). Cách này giúp bạn theo gọi mọi khoản chi bao gồm tiền nhà, tiền điện nước, ăn uống, học hành... Đây là dữ liệu giúp bạn kiểm soát các khoản chi từ đó tìm cách cân đối cho hợp lý.
Quy tắc 50-30-20
Cố vấn tài chính nổi tiếng thế giới Sallie L. Krawcheck đưa ra lời khuyên cho những ai muốn học cách quản lý chi tiêu đó là hãy chia nguồn thu theo quy tắc 50-30-20.
50% thu nhập dành cho các nhu cầu thiết yếu (tiền nhà, tiện điện nước, thực phẩm, học hành...);
30% cho các thứ mà bạn muốn như du lịch, vui chơi, giải trí...
20% để dành cho tương lai (tiết kiệm, đầu tư hoặc trả nợ).
Lên kế hoạch tiết kiệm
Hãy tiết kiệm khi có thể. Sau khi lập ngân sách cho từng khoản chi tiêu, hãy cố gắng bỏ ra 10-15% thu nhập để tiết kiệm. Nếu chi tiêu của bạn nhiều tới mức chẳng thể tiết kiệm bao nhiêu hãy cố gắng ghi chép từng khoản chi cụ thể để cân nhắc loại bỏ những thứ không cần thiết. Có thể giảm bớt các khoản như giải trí, ăn hàng, mua sắm quần áo...
Tác giả: Thanh Huyền
-
Mùa dịch mất việc, hưởng ít lương: 3 nguyên tắc chi tiêu không bị túng thiếu
-
Công việc khó khăn, thu nhập giảm: Áp dụng ngay 9 cách cắt giảm chi tiêu, yên tâm sống qua mùa giãn cách
-
Học cách tiêu tiền thông minh của người Nhật, tiết kiệm 35% thu nhập không khó
-
5 mẹo quản lý chi tiêu giúp bạn luôn tự chủ về tài chính cả trong lúc khó khăn
-
Kiếm nhiều tiền nhưng vẫn không dư dả: Bạn có đang mắc phải 6 sai lầm chi tiêu này?