5 mẹo quản lý chi tiêu giúp bạn luôn tự chủ về tài chính cả trong lúc khó khăn

08:30, Thứ hai 02/08/2021

( PHUNUTODAY ) - Chi tiêu quá mức vào những khoản không thật sự cần thiết khiến nhiều người rơi vào cảnh túng thiếu những ngày cuối tháng. Học ngay mẹo nhỏ này, bạn sẽ có cuộc sống dư dả hơn nhiều.

Kiểm soát các khoản chi tiêu

Thật tệ nếu như bạn không biết mình đã tiêu tiền vào việc gì. Nó khiến bạn không kiểm soát được tài chính và dễ chi tiêu quá mức cho phép. Thậm chí, bạn có thể rơi vào vòng luẩn quẩn vay – trả rồi lại vay – trả. Như vậy, sẽ rất khó để tiết kiệm.

Vậy nên trước tiên bạn cần kiểm soát được các khoản chi tiêu của mình. Hãy chuẩn bị cho mình một quyển sổ tay và thống kê lại các khoản chi cũng như các khoản thu. Vào cuối tháng bạn sẽ biết mình đã tiêu hết bao nhiêu tiền, khoản chi nào chưa hợp lý, khoản chi nào có thể giảm bớt.

Phân bổ chi tiêu cho phù hợp

Dựa trên nhu cầu chi tiêu hàng tháng, bạn hãy chia nhỏ các khoản thu. Việc chia nhỏ này tạo cho bạn thói quen chi tiêu từ đó cải thiện được tình hình tài chính. Bạn có thể tham khảo một vài phương pháp sau:

Phương pháp 60/10/10/10/10

Với phương pháp này, bạn sẽ dành:

- 60% cho nhu cầu thiết yếu: nhà cửa, ăn uống, đi lại, hóa đơn điện, nước,…

- 10% cho tiết kiệm dài hạn.

- 10% cho chi phí phát sinh: ốm đau, hỏng xe, thất nghiệp,…

- 10% cho hoạt động giải trí: mua sắm, xem phim,…

- 10% cho kế hoạch nghỉ hưu hoặc cho việc trả nợ.

 Phương pháp 20/80

Với phương pháp này thu nhập sẽ được chia làm 2 phần:

- 20% thu nhập để đầu tư hoặc tiết kiệm.

- 80% thu nhập dùng để chi trả cho những nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày như nhà ở, ăn uống, đi lại, hóa đơn điện nước, sức khỏe, mua sắm, hiếu hỷ, ma chay, sinh nhật,…

Chi tiêu theo mức độ ưu tiên

Hãy liệt kê hết các khoản chi tiêu cần thiết của bạn và ưu tiên thanh toán cho chúng trước. Đây là những khoản mà nếu không chi trả bạn sẽ gặp khó khăn và áp lực trong cuộc sống. Chẳng hạn như tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại, hóa đơn điện nước, sức khỏe, giáo dục.

Sau khi nhận lương, hãy tính toán con số này và trích riêng một phần theo ngân sách đã phân bổ. Phần dư còn lại bạn dùng cho những khoản chi tiêu không cần thiết và quỹ tiết kiệm.

Tạo thói quen sử dụng tiền mặt

Việc sử dụng thẻ ngân hàng mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu bạn đang muốn thắt chặt chi tiêu thì hãy tạo thói quen sử dụng tiền mặt.

Khi thanh toán bằng tiền mặt, bạn dễ dàng nhận thấy thói quen chi tiêu của bản thân và số tiền cần chi trả cho những thói quen này. Từ đó, bạn sẽ có ý thức trong việc thanh toán cho nhu cầu chi tiêu của bản thân.

Gửi tiết kiệm ngay khi có thu nhập

Sau khi đã lên được phương án chi tiêu, bạn cần gửi tiết kiệm luôn. Thời điểm này mặc dù lãi suất ngân hàng không cao nhưng đây vẫn là phương án tối ưu nếu như bạn không biết phương án đầu tư sinh lời nào tốt hơn.

Gửi tiết kiệm luôn sẽ giúp bạn chắc chắn dành dụm được một khoản tiền nhất định. Nếu thường xuyên được gia tăng, tích lũy theo thời gian thì khoản tiền này sẽ có khả năng sinh lời bất ngờ.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy