Với Delta, hãy đóng cửa ở nhà: Biến chủng lây lan quá kinh khủng, chỉ cần vài giây lướt qua là đủ nhiễm bệnh

( PHUNUTODAY ) - Delta được coi là biến chủng nguy hiểm nhất hiện nay bởi có sức lây lan nhanh, không có triệu chứng nhiễm và tỉ lệ tử vong cao.

Tính đến nay, đã 1 năm rưỡi trôi qua kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, thế nhưng tới thời điểm này, việc ngăn ngừa loại virus này đang ngày càng khó khăn vì có nhiều biến chủng xuất hiện.

Trong số đó, biến chủng Delta đang thách thức toàn thế giới, các biện pháp phòng dịch dường như đang bị Delta nhấn chìm.

Lây nhiễm qua tiếp xúc "lướt qua"

Vấn đề lớn nhất của Delta là khả năng lây nhiễm. Ở Sydney (Úc), một số người đã nhiễm bệnh theo cái cách rất bất ngờ, khi thậm chí còn chẳng tiếp xúc với F0. Những gì họ làm đơn giản chỉ là đi ngang qua ca bệnh trong một quán cafe hoặc trung tâm thương mại.

Cuối tháng 6/2021, camera an ninh tại Sydney ghi nhận 2 trường hợp lan truyền virus dù chỉ đi ngang qua nhau ở một trung tâm thương mại. Chủng virus lây lan chính là Delta, thứ đã khiến nhiều tiểu bang của Úc quay trở lại tình trạng phong tỏa toàn diện - gần đây nhất là Victoria.

"Với Delta, chúng ta đang chứng kiến khả năng lây nhiễm ở mức độ rất nhanh chóng và dữ dội, chỉ cần tiếp xúc thoáng qua. Vào đầu đại dịch, những ca tiếp xúc trên 15 phút mới đáng ngại. Còn giờ, chỉ 5 - 10s là quá đủ. Nguy cơ lây nhiễm đã cao hơn năm ngoái rất nhiều," - trích lời Tiến sĩ Jeannette Young, quan chức y tế tại bang Queensland.

Và đó là chưa kể, chu kỳ lây nhiễm của Delta (nghĩa là từ lúc phơi nhiễm cho đến khi có khả năng lây lan) đã giảm xuống chỉ còn 2 - 4 ngày, thay vì 7 ngày như trước.

Nhưng Delta vẫn chưa phải là tất cả. Úc đã xuất hiện một biến thể mới - Kappa, với khả năng lây lan qua giọt bắn lơ lửng trong không khí. Vào tháng 5, tại sảnh của một khách sạn dùng để cách ly của Úc, nhiều người đã bị nhiễm dù không tiếp xúc trực tiếp với nhau. Sự việc đã khiến cho 300 địa điểm trở nên nguy hiểm hơn, và 17.000 người có nguy cơ lây nhiễm.

Khả năng lây lan "lướt qua" này có lẽ nên là lời cảnh báo cho toàn thế giới. So sánh với Alpha (chủng gốc tại Vũ Hán), Delta mang đến rủi ro nhập viện cho người nhiễm cao hơn gấp 2 lần. Phân tích dữ liệu di truyền của CDC cho thấy Delta hiện đang chiếm hơn 58% số ca nhiễm tại Mỹ (số liệu ghi nhận vào ngày 14/7).

Tại Việt Nam, chỉ trong buổi sáng hôm nay 17/7, số ca nhiễm mới trong nước cũng vượt 2000 ca, và nó sẽ tiếp tục tăng trong nhiều ngày tới. Hệ thống y tế quá tải, các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch vô cùng vất vả. Hệ lụy mà làn sóng dịch bệnh Delta khiến cho cả nước lao đao.

Đẩy nhanh tiêm chủng - giải pháp duy nhất

Đầu tháng 7/2021, Úc ghi nhận một bữa tiệc sinh nhật đã trở thành ổ dịch, sau khi có ca bệnh "siêu lây nhiễm" xuất hiện ở đó. 24 khách tham dự đã dương tính, chỉ 7 người thoát nạn. 6 người trong đó là các nhân viên y tế, đều đã tiêm chủng toàn bộ. 1 khách tham dự còn lại đã tiêm chủng 1 mũi.

Bộ trưởng Bộ Y tế bang New South Wales (NSW) Brad Hazzard cho biết, sự kiện này là minh chứng cho thấy "vaccine quan trọng đến mức nào". Dẫu vậy, tốc độ tiêm chủng tại nhiều quốc gia - bao gồm cả Mỹ - cũng đang chậm lại. Đây là sự đe dọa rất lớn cho an toàn của cả thế giới trước đại dịch, với những biến chủng đang ngày càng nguy hiểm hơn.

Kinh tế kiệt quệ vì Covid-19

Theo Bloomberg phân tích số liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca mắc bệnh ở Đông Nam Á trong tuần qua đã tăng 41% so với tuần trước đó, lên hơn nửa triệu ca. Số ca tử vong do Covid-19 tại khu vực này cũng tăng 39% trong vòng 7 ngày, tính đến hết ngày 14/7. Các chuyên gia cho rằng, số người tử vong do dịch bệnh ở Đông Nam Á sẽ còn tiếp tục tăng bởi tình trạng này thường xảy ra sau các đợt bùng phát số ca mắc mới.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng chung của Đông Nam Á là 9%, thấp hơn các khu vực phát triển như Tây Âu và Bắc Mỹ, nơi hơn 50% dân số đã được tiêm vaccine. Tỷ lệ tiêm chủng này chỉ cao hơn so với châu Phi và Trung Á.

Khi phần lớn các nước phát triển đang chuẩn bị kế hoạch mở cửa trở lại, Đông Nam Á dường như vẫn mắc kẹt trong đại dịch. Điều đó đồng nghĩa với việc khu vực này đang phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

“Với tốc độ tiêm chủng chậm, ngoại trừ Singapore, chúng tôi cho rằng sự phục hồi kinh tế của Đông Nam Á sẽ gặp nhiều khó khăn. Sự gia tăng bất ổn về kinh tế cũng có khả năng dẫn đến vết sẹo Covid-19”, Sian Fenner, chuyên gia kinh tế châu Á tại Oxford Economics, cho biết.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã vượt qua Ấn Độ về số ca mắc Covid-19 mới hàng ngày trong tuần này, đang trở thành một trong những điểm nóng bùng phát Covid-19 của châu Á.

Theo số liệu của Worldometers, trong ngày 15/7, Indonesia ghi nhận thêm 56.757 ca mắc bệnh mới và 982 người tử vong. Tới nay, quốc gia này có hơn 2,7 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 70.000 ca tử vong do dịch bệnh.

Tác giả: Thạch Thảo