Vụ hàng chục trẻ bị sùi mào gà ở Hưng Yên: Cơ quan công an chính thức khởi tố vụ án

( PHUNUTODAY ) - Sáng 28/7, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án để điều tra về hành vi vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, theo Điều 242 Bộ luật Hình sự.

Liên quan vụ hàng chục trẻ mắc sùi mào gà sau khi điều trị hẹp bao quy đầu tại một cơ sở khám chữa bệnh không phép ở Khoái Châu (Hưng Yên), cơ quan Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, vụ việc này có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm sinh lý của các bệnh nhi. Việc khởi tố vụ án để điều tra là cần thiết.

Y sĩ Hoàng Thị Hiền tiếp xúc với Thanh tra Sở Y tế Hưng Yên và báo chí

Trước đó, Thanh tra Sở Y tế Hưng Yên kiến nghị xử phạt 100-110 triệu đồng đối với 3 hành vi vi phạm của y sĩ Hoàng Thị Hiền (ở Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên) và UBND tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định chính thức, trong đó bổ sung hình phạt tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của y sĩ Hiền.

Trong vòng 2 tháng qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã khám và điều trị cho gần 80 bệnh nhi (dưới 15 tuổi) bị sùi mào gà sau khi điều trị hẹp bao quy đầu tại nhà y sĩ Hiền. Hiện hàng chục gia đình đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế, Bộ Công an. Còn y sĩ Hiền bị xử phạt 100 triệu đồng do hành nghề, bán thuốc trái phép đồng thời bị cấm hoạt động chuyên môn 12 tháng.

Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương

Chiều ngày 27/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với Bộ Y tế và UBND tỉnh Hưng Yên, nghe báo cáo tình hình các trường hợp trẻ mắc bệnh sùi mào gà tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo tập trung điều trị tốt nhất cho các trẻ bị sùi mào gà tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Trong đó, yêu cầu hạn chế tốn kém tối đa về chi phí điều trị đối với gia đình các trẻ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan phải xử lý nghiêm theo pháp luật (về mặt luật có thể khởi tố vụ án, ở góc độ quản lý Nhà nước xem xét trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan) và đề nghị Bộ Y tế cần có hướng dẫn chi tiết với người dân về cách xử trí khi trẻ có biểu hiện hẹp bao quy đầu cũng như những cơ sở nào đủ điều kiện để thực hiện việc thăm khám và điều trị tình trạng này.

Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ 7 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tác giả: Huệ Anh