Chuyện nhỏ về gia đình Trung tướng Phạm Hồng Sơn (I)

( PHUNUTODAY ) - Trung tướng Phạm Hồng Sơn sinh năm 1923, tại thị xã Phủ Lạng Thương (cũ), tỉnh Bắc Giang. Ông chính là cháu ruột của liệt sỹ Phạm Hồng Thái, người chiến sĩ cách mạng nổi tiếng trong vụ ám sát hụt Toàn quyền Đông Dương Méc Lanh tại Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc).

(Phunutoday) - Là phu nhân của Trung tướng Phạm Hồng Sơn, PGS – TS Đặng Anh Đào là người con gái thứ 3 của cố Giáo sư Đặng Thai Mai có chồng là một vị Tướng (Giáo sư Đặng Thai Mai còn có hai người con rể cũng là hai tướng lĩnh nổi tiếng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Phạm Hồng Cư). Gần 80 tuổi, bên cạnh việc say mê làm công việc dịch thuật mà bà vô cùng yêu mến, PGS – TS Đặng Anh Đào còn có một niềm hạnh phúc khác, đó là được chăm sóc người chồng của mình: Trung tướng Phạm Hồng Sơn.
 
Cuốn hồi ức và chân dung “Nhớ và quên” viết về cuộc đời chiến trận và hậu phương của Trung tướng Phạm Hồng Sơn ra đời mới đây, do chính tay bà chắp bút, dựa trên những cuốn sổ tay ghi chép lại cuộc đời trận mạc của Trung tướng Phạm Hồng Sơn, chính là cách bà thể hiện tình yêu với chồng – một vị tướng cả đời xông pha nơi trận mạc nhưng giờ đang bị mắc căn bệnh lãng quên của tuổi già.

Người con rể Tướng lĩnh thứ ba của Giáo sư Đặng Thai Mai
Vợ chồng tướng Sơn
Vợ chồng tướng Sơn
Trung tướng Phạm Hồng Sơn sinh năm 1923, tại thị xã Phủ Lạng Thương (cũ), tỉnh Bắc Giang. Ông chính là cháu ruột của liệt sỹ Phạm Hồng Thái, người chiến sĩ cách mạng nổi tiếng trong vụ ám sát hụt Toàn quyền Đông Dương Méc Lanh tại Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc). Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước, ngay từ khi còn là sinh viên của trường Đại học Luật, Phạm Hồng Sơn đã bắt đầu tham gia cách mạng.
 
Trong Kháng chiến chống Pháp, ông nắm giữ những vị trí quan trọng, là chỉ huy Trung đoàn 36 – Trung đoàn Quyết chiến Quyết thắng, thuộc Đài đoàn 308 – Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngay từ thời ấy, Phạm Hồng Sơn đã là một người chỉ huy trẻ nổi tiếng. Đến mức mà sau này, khi biết Phạm Hồng Sơn chính là vị hôn phu của em gái vợ mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Hồng Sơn chỉ huy dũng cảm lắm, cậu ấy đánh trận khôn lắm” – Đó là cái khôn và sự dày dạn kinh nghiệm của một người chỉ huy trưởng thành từ một người lính, từng có nhiều phen giáp lá cà sống chết với địch.
 
Mải mê hoạt động cách mạng, nên đến suýt soát 30 tuổi, Phạm Hồng Sơn vẫn chưa lập gia đình. Ông được xếp vào hàng “muộn vợ” so với nhiều đồng chí, đồng đội ngày đó. Phải đến năm 1953, khi bước vào tuổi 30, trong một dịp về phép thăm gia đình ở Nghệ An, Phạm Hồng Sơn mới có cơ hội làm quen và hứa hôn với Đặng Anh Đào, con gái thứ 4 của Giáo sư Đặng Thai Mai.
 
Bà Đặng Anh Đào kể, ngày đó bà theo cha mẹ đi tản cư ở Nghệ An. Khi Phạm Hồng Sơn được về nghỉ phép, chị gái của ông đã đưa ông đến nhà Giáo sư Đặng Thai Mai chơi, với mục đích làm mối ông với cô con gái út của Giáo sư Đặng Thai Mai. Có lẽ vì tính cách thật thà, nhiệt tình và chân thành của một người lính nên ngay trong những lần gặp đầu tiên, Giáo sư Đặng Thai Mai đã dành cho Phạm Hồng Sơn rất nhiều cảm tình.
 
Quãng thời gian Phạm Hồng Sơn nghỉ phép ở Nghệ An, hầu như tối nào Giáo sư Đặng Thai Mai cũng ngồi trò chuyện say sưa với Phạm Hồng Sơn. Sự chân thành của người sỹ quan chỉ huy trẻ tuổi đã khiến Giáo sư Đặng Thai Mai lập tức “chấm” Phạm Hồng Sơn cho con gái mình.
 
Sinh ra trong một gia đình trí thức, lại được học hành đến nơi đến chốn, nên bà Đặng Anh Đào không bao giờ nghĩ mình sẽ lập gia đình sớm. Thế nhưng bà bảo, mối duyên giữa bà với Trung tướng Phạm Hồng Sơn dường như là định mệnh, nên ngay trong đợt nghỉ phép đó, với sự ủng hộ của gia đình, bà đã hứa hôn với ông khi mới ngấp nghé tuổi 20.
 
Dù hứa hôn với nhau nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh ác liệt nên sau đó, khi gia đình Giáo sư Đặng Thai Mai tản cư ra Thanh Hóa, Phạm Hồng Sơn cũng không hề hay biết. Năm 1954, trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức diễn ra, Phạm Hồng Sơn được đơn vị cho nghỉ phép về Nghệ An để lấy vợ. Nếu ngày hôm đó ông cứ đạp xe thẳng vào Nghệ An thì có lẽ kế hoạch lấy vợ trong đợt nghỉ phép đã không thành hiện thực.
 
Nhưng dường như là duyên phận, nên run rủi thế nào, khi đạp xe đến đoạn Cầu Kè (Thanh Hóa), Phạm Hồng Sơn gặp Đặng Anh Đào đang đi mua đậu phụ. Sau buổi gặp gỡ tình cờ nhưng đầy duyên phận và định mệnh đó, ông bà đã nên duyên vợ chồng.
 
n giờ, trong ký ức PGS – TS Đặng Anh Đào, vẫn còn lưu giữ những kỉ niệm không bao giờ quên của hai vợ chồng ông bà trong thời chiến. Trung tướng Phạm Hồng Sơn mắc bệnh chảy máu dạ dày mãn tính. Những năm 1955 – 1960 là giai đoạn căn bệnh chảy máu dạ dày hành hạ ông nhiều nhất, khiến ông nhiều lần phải vào Bệnh viện 108 cấp cứu.
 
Ngày đó quy định của Bệnh viện rất nghiêm ngặt. Nhiều lúc nhớ bà, ông phải hẹn bà đứng ở trên sân thượng ngôi nhà 30 Nguyễn Lai Thạch (là ngôi nhà của gia đình Giáo sư Đặng Thai Mai), còn ông đứng ở phía sau Bệnh viện. Từ đó, hai ông bà có thể nhìn thấy nhau, nhưng chẳng thể nói được với nhau câu nào.
 
Cũng có lần, để có thể được gặp nhau, được trò chuyện với nhau vài ba câu, bà đã phải đi về phía cổng sau bệnh viện và hẹn gặp ông ở cổng. Mỗi lần như thế, một người đứng trong cổng, một người đúng ngoài cổng, ông bà nói với nhau đủ những chuyện không đầu không cuối. Trung tướng Phạm Hồng Sơn là người lúc nào cũng lo lắng cho vợ con và hết lòng vì vợ vì con.
 
Cuộc sống kinh tế của gia đình ông bà ngày đó còn khó khăn. Dù ốm yếu nằm trong viện, nhưng mỗi khi có tiêu chuẩn đường sữa, ông lại tích cóp để mỗi lần gặp bà thì “tuồn” ra ngoài bệnh viện một cách hết sức “bí mật”, để bà mang về làm quà cho các con.
 
Lấy chồng là một người lính xông pha nơi trận mạc, nên gần như trong suốt những năm tháng Trung tướng Phạm Hồng Sơn đi chiến đấu, trải qua hết cuộc Kháng chiến chống Pháp sang cuộc Kháng chiến chống Mỹ, một mình bà Đặng Anh Đào phải vừa nuôi con, vừa dạy học, vừa làm nghiên cứu, vừa làm thêm đủ thứ việc.
 
 Vốn bị bệnh tim, sức khỏe yếu, lại bộn bề công việc nên bà thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi vì làm việc quá sức. Có lần, vì mệt mỏi với trăm nghìn thứ công việc nên trong chiếc phong bì thư gửi vào mặt trận cho chồng, thay vì gửi một lá thư nồng thắm tình cảm thì bà lại gửi cho ông một bản kế hoạch công tác khiến ông mất cả tuần thắc mắc, cố tìm cách giải đáp “ý nghĩa” mà bà “gửi gắm” qua bản kế hoạch đó.
 
PV
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn