Những lễ hội Xuân không thể bỏ qua dịp Tết Nguyên đán

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Sau Tết Nguyên đán cũng là thời điểm diễn ra rất nhiều lễ hội truyền thống thu hút sự chú ý và tham gia của đông đảo du khách.

Lễ hội chùa Hương, Hà Nội

Đây được xem là lễ hội có lượng du khách đông nhất và kéo dài nhất của nước ta. Lễ hội chùa Hương bắt đầu diễn ra từ ngày mùng 6 tháng 1 âm lịch, kéo dài đến tháng 3 âm lịch.

Du khách từ mọi miền đất nước nô nức về đây trẩy hội chùa Hương. Ngay từ bến thuyền, hàng ngàn chiếc thuyền đã đợi sẵn, nhẹ nhàng xuôi dòng suối Yến đưa du khách tham quan các thắng cảnh như: động Hương Tích, đền Trình, chùa Thiên Trù, động Tiên Sơn… Các nghi lễ được thực hiện đơn giản nhưng không kém phần trang trọng, khói hương tại các đền thờ nghi ngút không lúc nào ngơi. Những ngày đầu xuân du khách về đây ngoài việc vãn cảnh chùa thì đây còn là nơi để cảm nhận không khí thanh tịnh, yên bình, cầu mong may mắn, an lành cho một năm sắp tới.

Lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh

Ngọn núi thiêng Yên Tử từ bao đời nay đã trở thành điểm đến tâm linh thu hút rất đông người dân và du khách trong mỗi dịp xuân về. Bắt đầu từ ngày 10/1 âm lịch, lễ hội Yên Tử chính thức được khai mạc với nhiều hoạt động sôi động nhưng cũng không kém phần trang nghiêm, lễ dâng hương cúng Phật, bái tổ Trúc Lâm, những hoạt động diễn xướng tái hiện lịch sử, văn hóa tâm linh, lễ khai ấn chùa Đồng và đặc biệt bất kì du khách nào khi ghé thăm Yên Tử cũng đều nghiêng mình tưởng nhớ tới Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người sáng lập ra phái thiền Trúc Lâm. Chùa Đồng trên đỉnh núi Yên Tử vừa là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp vừa là đích đến cuối cùng cho các tín đồ hành hương và du khách ghé thăm.

Lễ hội Lim, Bắc Ninh

Cứ tới ngày 13/1 âm lịch hàng năm thì người dân vùng đồng bằng sông Hồng lại nô nức trẩy hội Lim, lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh. Đây cũng là dịp để các liền anh, liền chị trổ tài với nhau thông qua những câu hát ngọt ngào, trữ tình của điệu dân ca quan họ Bắc Ninh. Trên đồi Lim những làng sẽ thi đấu với nhau trong không khí vui tươi, sôi nổi của những ngày đầu xuân.

Ngoài ra tại hội Lim còn rất nhiều hoạt động khác như: thi thổi cơm, đấu vật, đấu cờ, các trò chơi dân gian thu hút rất đông sự chú ý và tham gia của du khách thập phương. Về với hội Lim là về với không gian âm nhạc, thơ ca, với những làn điệu say đắm như đi vào lòng người, những khăn mỏ quạ, nón quai thao, áo yếm cùng với những cử chỉ tinh tế, e lệ của người con gái đất Kinh Bắc làm cho hội Lim trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách mỗi khi xuân về.

Lễ hội làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh

Lễ hội làng Đồng Kỵ thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Chính hội là ngày 4/1 âm lịch nhưng từ đêm mùng 3, người dân địa phương đã thực hiện lễ rước thỉnh Đức Thánh Thiên Cương vị thần thành hoàng của làng lên đền Trung một cách trang trọng nhất. Sang ngày mùng 4, người dân Đồng Kỵ tổ chức lễ rước pháo truyền thống, hai quả pháo lớn được thanh niên trong làng rước từ nhà ông Trưởng ban khánh tiết ra tới đình làng làm lễ với sự hộ tống của đoàn quý tế, người dân làng và hàng nghìn du khách thập phương. Những ngày này tại Đồng Ky, người dân và du khách sẽ được hòa mình vào các hoạt động văn hóa thể thao như: đấu vật, thưởng thức dân ca quan họ, đấu cờ, xem tuồng, chọi gà…

Lễ hội đền Trần, Nam Định

Lễ hội ở đền Trần hay còn gọi là lễ Khai ấn đền Trần thường diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin/mua được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp.

Lễ hội làm chay, Long An

Vào ngày 15/1 âm lịch hàng năm, người dân thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An tổ chức lễ hội làm chay, đây là lễ hội mang đậm bản sắc riêng của nhân dân nơi đây. Mục đích chính của lễ hội là cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Các hoạt động chính diễn ra tại lễ hội như: xe hoa đăng diễu hành cùng với thầy trò Đường tăng quan thị trấn Tầm Vu, lễ rước vong, cúng cầu siêu, cầu an, hát bội. Đúng 24h ngày 16/1 nghi thức xô giàn Ông Tiêu được thực hiện, người dân tranh nhau giành đồ cúng để tìm cho mình chút lộc đầu năm. Vào những ngày lễ hội không chỉ người dân tỉnh Long An đổ về đây tham gia mà du khách từ khắp các tỉnh miền Tây cũng đổ về đây tham dự lễ hội độc đáo này.

Lễ hội núi Bà Đen, Tây Ninh

Hội xuân núi Bà Đen diễn ra từ ngày 15/1 tới 18/1 âm lịch. Đây là thời điểm du khách từ khắp nơi đổ về trẩy hội núi Bà.

Ở lưng chừng núi là điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu mà dân gian quen gọi là Bà Đen nổi tiếng linh thiêng. Du khách chiêm bái khu vực đền thờ của bà cầu bà phù hộ cho một năm mới gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Ngoài ra núi Bà Đen cũng là một danh thắng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, phía xa là hồ Dầu Tiếng. Trong khuôn viên của khu du lịch núi Bà Đen du khách có thể tham quan ngoạn cảnh hay tham gia các hoạt động thú vị tại đây.

6 địa điểm đẹp nhất đón lộc, du xuân Tết Ất Mùi
Mỗi khi tết đến, xuân về, nhiều người con đất Việt ở khắp nơi tìm về Chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính, Thiên Mụ… để đón lộc, cầu bình an.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn