10 mẹo tiết kiệm giúp người khôn ngoan 'để ra' 50% thu nhập, mùa dịch khó khăn nên áp dụng càng sớm càng tốt

( PHUNUTODAY ) - Nếu còn đang băn khoăn bạn có thể làm gì để bắt đầu tiết kiệm tiền, hãy thử làm theo 10 mẹo dưới đây.

Có một thực tế phũ phàng với nhiều Millennial: tiết kiệm hay tích lũy tài chính luôn là vấn đề nan giải giữa muôn vàn nhu cầu trong cuộc sống hiện đại bởi chủ nghĩa tiêu thụ chỉ trực chờ câu kéo chúng ta vào việc mua sắm và tiêu dùng.

Nếu còn đang băn khoăn bạn có thể làm gì để bắt đầu tiết kiệm tiền, hãy thử làm theo 10 mẹo dưới đây.

Ghi chép chi tiêu

Bạn cần nắm chắc việc mình chi tiết hết bao nhiêu tiền một tháng và tiêu cụ thể những việc gì.

Hãy theo dõi mọi khoản chi, từ tiền mua cà phê, báo, đồ ăn cho đến tiền nhà, điện nước... Khi đã có dữ liệu, hãy phân loại từng khoản, ví dụ như xăng, tạp hóa, trả nợ... Từ đó bạn sẽ thấy ngay được khoản nào có thể cắt giảm, khoản nào không. Nếu còn tiêu theo kiểu thấy hết tiền mà không nhớ nổi đã tiêu gì thì rất khó lên kế hoạch phù hợp.

Thực hiện quy tắc 24 giờ

Nhiều lúc chúng ta mua sắm vì cảm xúc, chứ không phải cần thiết. Để cắt giảm chi phí không thực sự cần, bạn nên tuân theo quy tắc 24 giờ. Hãy đợi một ngày rồi mới mua hàng. Cảm xúc sẽ dịu xuống và cuối cùng bạn có thể nhận ra mình có muốn món đồ đó không. Một khi áp dụng quy tắc này bạn sẽ ngạc nhiên về số lượng đồ đạc đã tránh phải rước về nhà.

Quy tắc 50-30-20

Cố vấn tài chính nổi tiếng thế giới Sallie L. Krawcheck đưa ra một lời khuyên rất hữu ích cho những ai muốn học cách quản lý chi tiêu, bao gồm việc dành ra 50% khoản tiền bạn kiếm được cho các nhu cầu thiết yếu (điện nước, tiền nhà, nhu yếu phẩm, thực phẩm, phương tiện, vân vân), 30% cho những thứ bạn "muốn" (những điều khiến bạn vui như du lịch, xem phim, v.v.), và 20% để cho bạn trong tương lai (tiết kiệm, đầu tư hay trả nợ).

Quy tắc này có thể không dễ đạt được, nhưng bạn có thể thay đổi một chút cho phù hợp với cuộc sống của mình.

Viết ra một shopping list trước khi đi mua sắm

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng cách này sẽ giúp bạn tránh khỏi việc lượn lờ quá lâu trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay trung tâm thương mại. Nó không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian, mà còn tập trung vào những nhu yếu phẩm bạn cần ở thời điểm đó thay vì mua sắm những thứ bạn không cần đến, hay đã có ở nhà nhưng bạn quên mất sự tồn tại của chúng.

Đừng lãng phí những đồng tiền lẻ

Cách tiết kiệm xưa như trái đất, nhưng không phải ai cũng biết hay muốn áp dụng. Những món tiền lẻ có sẵn sẽ giúp bạn trả vé gửi xe, vé xe bus, vé tàu, thay vì việc bạn sẽ phải đổi tờ tiền mệnh giá lớn hơn. Hãy nhớ rằng khi có những khoản tiền nhỏ hơn, bạn sẽ có xu hướng mua sắm nhiều hơn là mang tờ tiền mệnh giá lớn. Thêm nữa, bạn sẽ không thích việc phải chạy đi chạy lại đổi tiền, nhất là khi đang vội vàng đúng không?

Nếu có thể, đừng sử dụng credit card

Credit card luôn được quảng cáo như một giải pháp tài chính, nhưng trên thực tế, đây lại là gánh nặng tài chính đáng kể và là vấn đề của rất nhiều Millennial. Một nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc sử dụng credit card khiến bạn mua sắm vô tội vạ hơn bởi cách thức trả tiền bằng credit card có thể đánh lừa bộ não của bạn. Trong khi đó, việc tiêu xài bằng tiền mặt sẽ mang lại cảm giác mất mát rõ ràng.

Rõ ràng credit card mang đến nhiều thuận tiện, cho đến khi bạn phải đối mặt với món nợ ngân hàng hàng tháng. Một mẹo khác là bạn có thể sử dụng debit card thay vì credit card, bởi bạn vẫn có thể sử dụng thẻ trong giao dịch (nếu bạn quan tâm đến mức độ tiện lợi của nó) nhưng sẽ chỉ trong khả năng chi trả của bạn. Ít nhất, bạn sẽ không phải nơm nớp lo lắng với một khoản nợ không đáng có.

Hạn chế các cuộc gặp mặt không quan trọng

Bạn nên xác định rõ cuộc gặp nào cần thiết, cuộc gặp nào không cần. Với những người cần duy trì quan hệ, bạn nên gặp gỡ, giao lưu.

Ngược lại, nên học cách từ chối và giảm thiểu tối đa cuộc gặp không thiết yếu. Ví dụ như gặp mặt một nhóm bạn quen trên mạng, bạn từ cấp 1... những người mà đã rất lâu bạn không còn liên hệ chả hạn. Những mối quan hệ có để cho vui tốt nhất nên dừng lại.

Tái đầu tư

Nếu có thể, bên cạch việc tiết kiệm, bạn có thể học hỏi để đầu tư vào một lĩnh vực sở trường nào đó. Tuy nhiên, để có thể đảm bảo và sinh lời, bạn nên am hiểu và cân nhắc cẩn thận.

Đầu tư có thể là kinh doanh, buôn bán, cho vay có lãi, … Đồng tiền ngày một mất giá, hãy tìm cách để tiền sinh lợi nhuận, tăng thêm giá trị và tiết kiệm cho mỗi chúng ta.

Tận dụng coupon, mã giảm giá, apps mua sắm

Nhờ mã giảm giá trên apps Grab, bạn đã có thể tiết kiệm một khoản kha khá cho việc di chuyển. Tương tự như vậy, hiện nay rất nhiều app kết hợp ví điện tử đều cung cấp cho người dùng mã giảm giá, đi kèm với rất nhiều tiện ích. Bạn sẽ ngạc nhiên với số tiền mình có thể tiết kiệm được khi đi ăn uống, mua sắm đấy! Coupon cũng là một cách hay ho để giúp bạn tiết kiệm một khoản nhất định. Đừng ngại mang theo bên mình những tờ coupon như vậy, bởi bạn sẽ không biết khi nào mình cần đến chúng đâu.

Chăm sóc thật tốt cho bản thân

Cuối cùng, đây là điều quan trọng nhất. Hãy yêu thương và chăm sóc thật tốt bản thân mình. Dù có yêu tiền đến mấy cũng đừng bán mạng làm việc.

Hãy sắp xếp thời gian làm việc hợp lý, tập thể dục đều đặn, ăn uống khoa học. Bạn phải khỏe mạnh, sống lâu để có thể chờ khi già đi được hưởng thành quả cả đời phấn đấu của mình.

Tác giả: Vũ Ngọc