Bún suông
Bún suông còn được gọi bằng cái tên khác là bún đuông vì món ăn có những cọng suông vàng cam, tròn dài vô cùng lạ mắt làm từ tôm tươi. Nhiều người cho rằng từ “suông" của món ăn được gọi chệch từ “đuông" do ngoại hình tựa một con đuông dừa.
Để chế biến món ăn này, người ta dùng tôm, thịt ba chỉ, cọng suông và bún. Điểm nổi bật của bún suông có lẽ là phần nước lèo ninh kỹ từ xương heo, vừa béo ngậy vừa ngọt thanh và thoang thoảng mùi thơm đặc trưng của tương hạt. Món bún dân dã này thường được ăn kèm rau bắp cải bào sợi, giá trần, xà lách… Nếu muốn món bún thêm đậm đà và trọn vị hơn, bạn cũng có thể ăn kèm một chút ớt xay và tương xay.
Bánh tét
Khi đến Trà Vinh, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức 2 loại bánh tét nổi tiếng là bánh tét Trà Cuôn và bánh tét cốm dẹp đặc biệt của người Khmer ở Cầu Kè. Để làm bánh tét cốm dẹp, người ta sẽ sử dụng những nguyên liệu quen thuộc như đậu xanh, cốm dẹp và nước cốt dừa. Đầu tiên, họ sẽ cho nước cốt dừa vào cốm dẹp rồi trộn đều vài phút để nếp mềm. Sau đó, mang cốm dẹp đi gói bánh với nhân làm từ chuối, đậu xanh trộn đường, vani… Bánh tét cốm dẹp được gói lại bằng lá chuối chiêm hoặc lá lùng và mang đi hấp cách thủy chứ không phải luộc. Thông thường, người Khmer sẽ gói món ăn này trong các dịp cúng giỗ hoặc lễ tết truyền thống.
Còn với bánh tét Trà Cuôn, bạn có thể tùy vào sở thích và khẩu vị để chọn phần nhân yêu thích như trứng muối, thịt ba rọi, tôm khô… Ngoài ra, bánh tét này còn được làm nhiều màu với sắc cam từ gấc, tím của lá cẩm và màu xanh lá bồ ngót.
Cháo ám
Theo nhiều người, sở dĩ món ăn này được gọi là “cháo ám" vì cách chế biến vô cùng tỉ mỉ, tốn công sức và thời gian. Bên cạnh nguyên liệu chính là cá lóc, món ăn này còn có thêm nhiều nguyên liệu như mực khô, tôm khô và được chấm kèm mắm tôm.
Để nấu được một nồi cháo ám ngon, có lẽ khâu quan trọng nhất chính là chọn cá lóc. Những con có được chọn không chỉ tươi ngon mà còn cần có kích cỡ và cân nặng vừa phải. Sau khi sơ chế sạch sẽ, người ta sẽ mang cá đi luộc chín rồi gỡ bỏ xương. Tiếp đó, phần thịt cá được mang đi tẩm ướp với gia vị và xào cùng hành phi để tăng phần đậm đà, hấp dẫn. Tùy vào thói quen, bạn có thể ăn cháo ám cùng nước mắm hoặc mắm tôm.
Bánh canh Bến Có
Bánh canh Bến Có là sự kết hợp giữa sợi bánh canh mềm dai, trắng đục và nước dùng ngọt thanh hầm từ xương. Để có được sợi bánh canh thơm ngon, người ta sẽ sử dụng loại gạo đầu mùa. Ngoài ra, nước lèo của món ăn cũng được chọn lọc kỹ từ phần thịt heo, xương ống tươi nhất. Sau đó người nấu sẽ ninh nguyên liệu trong lửa nhỏ cùng hành tây, mực nướng, hành tím… nên nước vừa trong vừa có vị ngọt tự nhiên.
Một tô bánh canh Bến Có thường có nguyên liệu đa dạng như thịt nạc, gan, giò heo, tim, cật… và rau ghém.
Tác giả: Minh Thu
-
Món 'nhà nghèo' ngày xưa, nay hot rần rần dân thành phố, giá 500.000 đồng/kg
-
Rau lỗ bình: Từ món ăn dân dã đến đặc sản ‘sang chảnh’ hút khách, giá 120.000 đồng/kg
-
Loại lá trước không ai nhặt giờ thành đặc sản giải nhiệt rất tốt
-
9 loại rau rừng mọc dại nhưng đắt như 'sơn hào hải vị', muốn mua không dễ
-
Hương vị khó quên từ xứ Nghệ: Đặc sản bình dị mà gây sốt với tên gọi độc lạ khiến ai cũng mê mẩn