5 thói quen đang âm thầm đánh cắp sức khỏe của bạn: Thói quen thứ 3 dễ bị bỏ qua nhất

( PHUNUTODAY ) - Nhiệt độ cao, sinh hoạt xáo trộn, cùng hàng loạt yếu tố khách quan khiến chỉ số đường huyết dễ biến động thất thường.

Mùa hè không chỉ đơn giản là những ngày nắng nóng oi bức, mà với người mắc bệnh tiểu đường, đây thực sự là thời điểm đầy thử thách trong việc kiểm soát đường huyết. Nhiệt độ cao, sinh hoạt xáo trộn, cùng hàng loạt yếu tố khách quan khiến chỉ số đường huyết dễ biến động thất thường.

Nhiều bệnh nhân dù kiểm soát tốt trong mùa xuân hay mùa thu nhưng đến hè lại bất ngờ đối mặt với tình trạng đường huyết "lên bổng xuống trầm". Theo các chuyên gia nội tiết, chính những thói quen tưởng như vô hại lại là "thủ phạm" khiến việc quản lý bệnh tiểu đường trong mùa hè trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Vì sao mùa hè khiến đường huyết dao động?

Nhiệt độ cao được coi là yếu tố gây stress cho cơ thể, kích thích các hormone làm tăng đường huyết. Đồng thời, việc mạch máu giãn nở, tăng lưu lượng máu dưới da khiến insulin được hấp thu nhanh hơn, gia tăng nguy cơ hạ đường huyết.

Đổ mồ hôi nhiều nhưng không bù nước kịp thời dẫn đến mất nước, làm máu cô đặc, gây hiện tượng tăng đường huyết giả. Thêm vào đó, việc mất cân bằng điện giải còn khiến insulin giảm tác dụng. Thói quen ăn ít do nóng, hoặc ngược lại, tiêu thụ nhiều trái cây, nước ngọt, bia lạnh… cũng khiến chỉ số đường huyết biến động.

Hoạt động thể chất giảm, giấc ngủ chập chờn, cảm xúc bất ổn – tất cả tạo thành “tổ hợp” khiến đường huyết trong mùa hè trở thành bài toán nan giải.

5 thói quen âm thầm phá vỡ kiểm soát đường huyết

1. Ngủ không đúng giờ, dễ bị hạ đường huyết lúc nửa đêm

Ban đêm nóng nực khiến nhiều người khó ngủ, thậm chí thức khuya để hóng mát. Tuy nhiên, ngủ không đủ giấc ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể. Đặc biệt, ra nhiều mồ hôi về đêm không chỉ do nóng mà còn có thể là dấu hiệu hạ đường huyết. Nếu sáng dậy thấy người mệt, áo ngủ ướt đẫm, nên nghĩ đến khả năng tụt đường huyết trong khi ngủ.

Ảnh minh họa

2. Cảm xúc thất thường, đường huyết cũng "giở chứng" theo

Căng thẳng, bực bội, nóng giận – những trạng thái phổ biến trong mùa hè có thể làm đường huyết tăng nhanh do kích thích hệ thần kinh giao cảm. Để tránh vòng luẩn quẩn này, người bệnh cần rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc: thiền, nghe nhạc nhẹ, vận động nhẹ nhàng hoặc trò chuyện cùng người thân để giải tỏa áp lực.

3. Uống nước không đủ – tưởng nhỏ mà không nhỏ

Nhiều người có thói quen chỉ uống nước khi khát. Với người lớn tuổi, cảm giác khát thậm chí còn mờ nhạt, dẫn đến tình trạng thiếu nước kéo dài. Mỗi người nên uống khoảng 1,5–1,7 lít nước/ngày, chia đều trong ngày, ưu tiên nước lọc. Không nên thay thế nước bằng nước ngọt, trà đặc, cà phê đậm hay đồ uống có cồn.

4. Bỏ qua vệ sinh cá nhân – nguy cơ nhiễm trùng tăng cao

Mùa hè là thời điểm vi khuẩn phát triển mạnh. Người bệnh tiểu đường, nếu không giữ vệ sinh da, hệ tiết niệu hay hô hấp, rất dễ bị nhiễm trùng. Đây là nguyên nhân chính gây ra các biến chứng cấp như nhiễm toan ceton. Ngoài ra, thức ăn mùa hè dễ bị ôi thiu, ngộ độc thực phẩm có thể khiến đường huyết tăng vọt do phản ứng stress của cơ thể.

5. Tự ý ngưng thuốc hoặc giảm liều – nguy hiểm tiềm ẩn

Do lo sợ hạ đường huyết khi ăn uống kém, một số bệnh nhân đã tự ý bỏ thuốc hoặc giảm liều mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Việc làm này có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng, nhất là với người đang sử dụng insulin. Mọi thay đổi liên quan đến thuốc đều cần có sự hướng dẫn chuyên môn.

Ăn gì, uống gì để an toàn hơn trong mùa hè?

Trái cây, kem, nước ngọt, bia lạnh… là những món khoái khẩu trong mùa hè. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường cần hết sức tỉnh táo. Ăn ít ban ngày nhưng “gỡ lại” vào ban đêm với bia bọt, đồ nướng, đồ chiên rán – đây là công thức khiến đường huyết tăng nhanh không kiểm soát.

Giải pháp là xây dựng khẩu phần ăn phù hợp, chia nhỏ bữa, ưu tiên rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, sữa ít đường. Có thể thay đồ ngọt bằng sữa chua không đường, sữa đậu nành để vừa giải khát vừa không làm tăng đường huyết.

Bảo quản insulin mùa hè: Đừng chủ quan

Insulin rất nhạy cảm với nhiệt độ. Chai chưa mở cần để ngăn mát tủ lạnh (2–8°C), tránh để gần thực phẩm. Chai đã mở có thể bảo quản nơi mát (dưới 30°C) trong 4–6 tuần.

Không được để insulin đông đá, không để trong cốp xe hay mang theo khi đi du lịch mà không bảo quản đúng cách. Khi di chuyển, có thể sử dụng túi giữ nhiệt có đá lạnh, nhưng cần lót ngăn cách để tránh tiếp xúc trực tiếp giữa đá và thuốc.

Vận động mùa hè: Chọn giờ, chọn cách

Tập luyện vẫn cần thiết nhưng phải lựa chọn thời điểm và hình thức hợp lý. Nên tập sau bữa sáng hoặc tối, tránh nắng gắt. Mỗi lần tập khoảng 20–30 phút, tuần 5 buổi. Các bài tập như đi bộ, bơi, thái cực quyền… là lựa chọn lý tưởng.

Khi tập cần bổ sung nước đúng cách: uống trước khi vận động 200–300ml, mỗi 15 phút bổ sung thêm. Sau khi tập nên nghỉ ngơi rồi mới vào phòng lạnh hoặc tắm nước ấm để tránh bị sốc nhiệt.

Kiểm soát đường huyết mùa hè: Cuộc đua đường dài cần kiên trì

Mùa hè là bài kiểm tra thực sự với người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nếu nhận diện được các yếu tố nguy cơ và chủ động phòng tránh, việc kiểm soát đường huyết hoàn toàn có thể đạt được sự ổn định.

Bệnh mạn tính không thể nóng vội. Kiên trì thực hiện đúng các nguyên tắc dinh dưỡng, vận động, dùng thuốc và chăm sóc bản thân là chìa khóa giúp mỗi người bước qua mùa hè một cách an toàn và khỏe mạnh.

Tác giả: Minh Khuê