Tôm là một trong những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Nó có thể cung cấp một lượng lớn protein, carbohydrate. Ngoài ra, tôm còn cung cấp nhiều canxi, kali, phốt pho.
Tôm chứa nhiều protein nhưng lại có lượng chất béo thấp hơn so với nhiều loại hải sản khác. Vì vậy, đây là thực phẩm được nhiều người lựa chọn khi muốn bồi bổ cơ thể mà không muốn nạp quá nhiều chất béo, gây tăng cân.
Nhìn chung, tôm là thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phù hợp với tất cả mọi người.
Người bị một trong những bệnh dưới đây tốt nhất nên hạn chế ăn tôm.
Người đang bị ho
Với những người đang bị ho, vùng họng thường nhạy cảm cũng như dễ bị kích ứng hơn bình thường. Trong khi đó, ăn tôm có thể khiến cảm giác ngứa cổ, ho càng trở nên nghiêm trọng hơn, kéo dài hơn. Ngoài ra, vỏ tôm, càng tôm có thể mắc ở khu vực cổ họng, gây ngứa và ho.
Người bị ho cũng dễ bị phản ứng với vị tanh của tôm, khiến tình trạng ho không thuyên giảm.
Người bị đau mắt đỏ
Người bị đau mắt đỏ nên hạn chế ăn các loại hải sản có mùi tanh như tôm, cua, mực, cá để bệnh nhanh khỏi.

Người bị hen suyễn
Đối với người có tiền sử bị hen suyễn, tôm có thể gây ra sự kích ứng ở vùng họng, làm cơ khí quản co thắt, gây ra tình trạng khó thở. Vì vậy, người bị hen suyễn nên hạn chế ăn tôm.
Người có lượng cholesterol trong máu cao
100 gram tôm có thể cung cấp 152mg cholesterol. Những người đang có lượng cholesterol trong cơ thể ở mức cao, bị máu nhiễm mỡ hoặc mắc các bệnh tim mạch cần hạn chế ăn tôm.
Người đang bị viêm nhiễm
Những người đang có các triệu chứng viêm nhiễm nên hạn chế ăn tôm vì loại thực phẩm này có chứa các chất có thể khiến tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn.
Người bị bệnh tuyến giáp, cường giáp
Tôm là loại hải sản chứa nhiều i-ốt. Đây là chất mà người bị bệnh về tuyến giáp nên thận trọng trong quá trình sử dụng. Vì vậy, nếu đang gặp vấn đề về tuyến giáp, người bệnh nên hạn chế ăn tôm.
Người bị dị ứng hải sản
Người bị dị ứng hải sản nên cẩn trọng khi ăn tôm. Nếu có phản ứng dị ứng với tôm như nổi mẩn đỏ, nổi các nốt sưng sau khi ăn thì tốt nhất nên tránh xa món tôm.
Người bị bệnh gút, viêm khớp, tăng axit uric máu
Tôm là thực phẩm chứa nhiều purine. Vì vậy, người bị các bệnh như gút, viêm khớp, tăng axit uric máu không nên ăn tôm để tránh tình trạng lắng đọng tinh thể axit uric trong khớp, làm các triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, gây ra đau đớn, khó sinh hoạt cho người bệnh.
Lưu ý khi ăn tôm
Tôm là thực phẩm giàu histidine. Khi tôm chết, chất này sẽ được phân hủy và chuyển hóa thành histamine - một chất gây hại cho sức khỏe con người. Ngoài ra, trong hệ tiêu hóa của tôm có thể chứa các loại vi khuẩn gây bệnh, các chất độc hại. Tôm chết để lâu vừa giảm độ tươi ngon, vừa chứa nhiều chất không tốt cho cơ thể, có thể gây ra ngộ độc. Vì vậy, khi mua tôm, bạn cần phải chọn loại tôm tươi, thịt săn sắc, đầu và thân gắn chặt với nhau. Không mua các loại tôm mà thịt không có độ đàn hồi, chân và đầu bị đen, đầu và thân tôm lỏng lẻo.
Nhiều người thích ăn tôm sống để thưởng thức trọn vẹn độ giòn ngọt của thịt tôm tươi. Tuy nhiên, việc ăn sống này có thể khiến cơ thể bị nhiễm các loại ký sinh trùng. Việc sử dụng chanh, mù tạt, gừng, nước tương... ăn cùng tôm sống không thể nào tiêu diệt các loại ký sinh này. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bạn nên nấu chín tôm rồi mới ăn.