7 chữ 'Nhẫn' trong giáo dục con cái, cha mẹ phải "nhẫn nhịn", mới nuôi dưỡng nên những đứa trẻ thành công

( PHUNUTODAY ) - Trong quá trình nuôi dưỡng nên những đứa trẻ thành công, cha mẹ hãy nhẫn nhịn lắng nghe nhịp đập của trái tim con, để con có thể sống trọn một cuộc đời ý nghĩa.

Nhẫn ở đây là kiên trì, chấp nhận và chịu đựng để nuôi dưỡng và dạy dỗ một đứa trẻ, chứ không phải là nhu nhược, thỏa hiệp và buông thả trong quá trình nuôi dạy con trẻ. 

7 chữ Nhẫn trong nuôi dạy con cái dưới đây, chính là 7 điều cần cha mẹ nhẫn nại vì con, hoàn thiện trẻ để con được phát triển toàn diện:

1. Nhẫn nại với giờ giấc lộn xộn của trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh vừa chào đời, ám ảnh lớn nhất là giờ giấc ăn ngủ của con. Một số cha mẹ muốn tập cho trẻ thói quen ngủ càng sớm càng tốt, nếu trẻ hay khóc đêm, cứ để trẻ khóc! Nếu khóc vài lần, trẻ sẽ không khóc nữa.

Cách như vậy không chỉ không tốt cho trẻ, mà còn khiến trẻ cảm thấy không an toàn. Chỉ những đứa trẻ lớn lên trong cảm giác được quan tâm, yêu thương thì mới khỏe mạnh về tinh thần và thể chất. Trong tình huống này, người lớn nên nhẫn nại chăm sóc và vỗ về trẻ. Thời gian này, trẻ sơ sinh nhỏ bé, yếu ớt nên rất cần sự nhẫn nại, yêu thương và nhẹ nhàng của cha mẹ.

Nhẫn ở đây là kiên trì, chấp nhận và chịu đựng để nuôi dưỡng và dạy dỗ một đứa trẻ để chúng lớn lên trưởng thành thành công. (Ảnh minh họa)

2. Nhẫn nại lắng nghe và để con nói từ từ cho xong

Nói là một quá trình rất quan trọng, khi trẻ bắt đầu học nói, mẹ phải kiên nhẫn hướng dẫn trẻ nói rõ ràng, để trẻ nói tròn câu đừng vội ngắt lời con, sự tôn trọng và chờ đợi này rất quan trọng với sự phát triển của con.

Cha mẹ phải thường xuyên lắng nghe trẻ để có cơ hội hiểu được suy nghĩ của trẻ và cung cấp cho trẻ những lời dạy dỗ, khuyên bảo, sự giúp đỡ và hướng dẫn cần thiết khi con lo lắng.

3. Nhẫn được việc con cái hiếu động, nhà cửa bừa bộn

Trẻ con hiếu động, ham chơi là điều rất tự nhiên, khi trẻ khám phá thế giới, khi trẻ tập ăn dặm, khi trẻ nô đùa, cha mẹ cần học cách chấp nhận cho con lấm lem, để con được thỏa sức trí tưởng tượng và sáng tạo.

Đây là lúc con học thông qua tiếp xúc, giúp con tự cảm nhận đồng thời rèn luyện tính chịu khó, khả năng tự tin và ý thức của con. Sẵn sàng để con chịu ‘bẩn’ một chút, nhà cửa bị con làm thành ra bừa bộn nhưng đó cũng là một cách để khai sáng trí tuệ trẻ con.

4. Nhẫn trước những khiếm khuyết của con

Thay vì la mắng, nổi giận khi thấy con sai, cha mẹ cần lý trí, bình tĩnh và kiên nhẫn để chỉ ra cho con cái biết mình sai ở đâu, vì sao sai, sai sẽ mang lại hậu quả như thế nào. Chỉ khi nhẫn nại chỉ ra lỗi và giúp con sửa chữa lỗi lầm thì mới sửa được tận gốc rễ những khiếm khuyết của con.

Sau khi cha mẹ nhẹ nhàng giúp con nhận ra lỗi lầm của mình, trẻ sẽ dễ dàng lắng nghe và tiếp thụ bài học. Vì khi mắc lỗi, lời khuyên răn nhẹ nhàng, có tính có lý của cha mẹ sẽ khiến trẻ dễ dàng tiếp thụ hơn.

5. Nhẫn trước những thăng trầm về điểm số của con

Đừng vì thấy thành tích của “con nhà người ta” mà nóng vội ép con học thêm, cũng đừng cáu giận trách con thậm tệ hay cảm thấy thất vọng vì điểm con kém. Hãy dùng chữ nhẫn để dạy con từ từ, khuyến khích con từng ngày, động viên con tiến bộ. Mỗi đứa trẻ đều có năng lực tiếp thụ và năng khiếu khác nhau, nếu con học không tốt, hãy giúp con tìm ra vấn đề của mình.

Việc đi học điểm lúc cao, lúc thấp là chuyện thường, điều nên quan tâm là thái độ của con trẻ đối với việc học và cách con áp dụng bài học từ sách vở ra ngoài thực tế.

Khi cha mẹ thấy điểm tốt của con thì nên khích lệ để trẻ có động lực ngày một tiến bộ, khi thấy con điểm kém thì cũng không nên trách cứ con quá nhiều, hãy cùng con tìm ra giải pháp và phương cách làm tốt hơn, để trẻ có cơ hội rút kinh nghiệm, làm tốt hơn cho những lần tiếp theo.

6. Nhẫn để chấp nhận những ước mơ xa vời của con

Đừng ép con phải thực hiện những ước mơ còn dang dở của cha mẹ, nhất mực ép con theo đuổi nghề nghiệp cha mẹ định hướng. Mỗi đứa trẻ đều có đam mê, sở thích và thế mạnh của riêng mình, hơn nữa, chúng cần phải sống cuộc sống và đam mê của chúng, chứ không phải sống thay cho cha mẹ chúng được.

Khi trẻ đang “mơ ước” về một nghề nghiệp nào đó trong tương lai, cha mẹ cũng không nên vội đánh thức trẻ, hãy để trẻ tiếp tục nỗ lực với ước mơ của mình, hãy để cho chúng được ước mơ, cố gắng và hy vọng, cho dù giấc mơ không ngừng thay đổi theo độ tuổi của con, thì đó cũng là một quá trình trưởng thành.

7. Nhẫn để lắng nghe con

Nhiều bậc cha mẹ có tính tự tôn cao về địa vị, tuổi tác, họ luôn cảm thấy mình có nhiều kinh nghiệm và năng lực hơn trẻ nhỏ. Họ coi thường ý kiến và quan điểm của con cái, thậm chí không khuyến khích suy nghĩ riêng và ngăn cản trẻ có cơ hội được bày tỏ ý kiến của mình. Cha mẹ nên thường xuyên hạ bỏ cái tôi, nhẫn nại nghe con nói, để cho con có cơ hội thể hiện mong muốn thật sự của mình.

Trong gia đình, giữa cha với con mà không có nhẫn nhịn thì trong nhà sẽ mất đi đứa con ngoan, anh em không nhẫn nhịn với nhau sẽ không còn yêu thương kính trọng, bạn bè không nhẫn nhịn lẫn nhau sẽ mất đi nghĩa khí, vợ chồng không nhẫn nhịn lẫn nhau sẽ có nhiều tranh cãi…

Tác giả: Dương Ngọc