Một công bố mới của các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH) của Mỹ cho biết, người có chế độ ăn uống dựa trên thực vật (plant-based diets) có ít nguy cơ mắc Covid-19 hơn và nếu mắc thì triệu chứng cũng ít nghiêm trọng hơn so với người khác.
Tiến sỹ Jordi Merino, chuyên gia tại Khoa Đái tháo đường và Trung tâm Y học hệ gene thuộc MGH, giảng viên y khoa tại Trường Y Harvard là người đứng đầu nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Gut.
Tiến sĩ Merino và các cộng sự đã xem xét dữ liệu của 592.571 tình nguyện viên tham gia được tuyển chọn từ ngày 24/3/2020 đến ngày 2/12/2020. Trong đó, có 31.831 người đã mắc Covid-19 trong thời gian tham gia nghiên cứu.
Để đánh giá hiệu quả của chế độ ăn uống, các chuyên gia sử dụng Thang điểm đánh giá chế độ ăn dựa trên thực vật chủ yếu gồm các loại thực phẩm lành mạnh như rau củ, trái cây.
Qua xem xét dữ liệu từ các tình nguyện viên, các chuyên gia nhận thấy, những người thuộc nhóm 25% có điểm số cao nhất có nguy cơ mắc Covid-19 thấp hơn 9% và nguy cơ tiến triển nặng thấp hơn 41% so với nhóm 25% có điểm số thấp nhất.
Một nghiên cứu khá được công bố hồi đầu tháng 6 trên tạp chí BMJ Nutrition, Prevention & Health cũng cho thấy chế độ ăn dựa trên thực vật giúp người mắc Covid-19 ít có nguy cơ bệnh tiến triển nặng hoặc trung bình.
Nghiên cứu này đã khảo sát hơn 2.800 cơ sở y tế tại 6 quốc gia gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Đức.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 2.884 bác sĩ và y tá làm việc ở tuyến đầu - những người có khả năng phơi nhiễm với SARS-CoV-2.
Cuộc khảo sát muốn tìm hiểu về mối liên quan giữa chế độ ăn tự báo cáo và nhiễm Covid-19, thời gian và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, 2.316 người tham gia không gặp bất kỳ triệu chứng Covid-19 nào hoặc không có kết quả dương tính với virus. Những người này đóng vai trò là nhóm đối chứng của nghiên cứu.
568 người còn lại có triệu chứng Covid-19 thông thường hoặc xét nghiệm PCR dương tính. Trong đó, 138 người có triệu chứng Covid-10 ở mức độ trung bình đến nặng; số còn lại chỉ bị bệnh nhẹ hoặc rất nhẹ.
Các nhà nghiên cứu còn dựa vào tuổi tác, dân tộc, ngành nghề y, cân nặng, chỉ số khối cơ thể, bệnh nền, hành vi lối sống, bao gồm hút thuốc và mức đọ hoạt động thể chất để đánh giá.
Các nhà nghiên yêu cầu những người tham gia chọn 1 trong số 11 chế độ ăn giống với chế độ ăn của họ trong vòng 1 năm qua. Sau đó, các nhà nghiên cứu sắp xếp lại kết quả thành các nhóm chính như chế độ ăn thực phẩm toàn phần, chế độ ăn thực vật, ăn chay, chế độ ăn kiêng pescatarian (bao gồm cá và các động vật thủy sinh).
So với những người theo chế độ ăn thực vật, nhóm có chế độ ăn ít carb, nhiều protein (thực phẩm toàn phần) có nguy cơ phát triển các triệu chứng Covid-19 từ trung bình đến nghiêm trọng cao gấp 4 lần.
Chuyên gia cho rằng, chế độ ăn dựa trên thực vật và cá/thủy sản có liên quan đến việc chống viêm. Trong khi đó các triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng hơn có thể liên quan đến các yếu tố gây viêm. Các dưỡng chất như phytochemical, khoáng chất và vitamin trong chế độ ăn uống thực vật có thể hỗ trợ hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp người bệnh chống chọi với Covid-19. Trong khi đó, việc được bổ sung nhiều axit béo omega-3 và vitamin D nhờ chế độ ăn cá/thủy sản cũng giúp chống viêm.
Theo các chuyên gia, chế độ ăn thuần chay hay thực vật không giúp con người tránh bị nhiễm Covid-19 nhưng có thể giúp hỗ trợ hết thống miễn dịch khỏe mạnh, từ đó giảm nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng.
Ngoài ra, chế độ ăn uống thực vật cũng có thể giảm nguy cơ béo phì và các bệnh mãn tính - những yếu tố làm gia tăng nguy cơ trở nặng khi mắc Covid-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên mọi người nên có chế độ ăn uống cân bằng để tăng cường hệ miễn dịch trong tình hình dịch bệnh hoành hành khắp thế giới. Hãy ăn những thực phẩm tươi như rau, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt; tránh tiêu thụ nhiều chất béo, đường, muối; tiêu thụ không quá 160g thịt/ngày; hạn chế tiêu thụ thịt đỏ xuống 1-2 lần/tuần và thịt gia cầm 2-3 lần/tuần.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Người bệnh tiểu đường sau khi được chữa khỏi Covid-19 nên ăn gì?
-
Tìm ra loại thuốc có thể điều trị khỏi Covid-19 trong vài ngày, sắp sửa tung ra thị trường
-
Lỡ nhận đồ ăn từ người bán là F0 chưa được phát hiện, nguy cơ lây nhiễm có cao? BS.Trương Hữu Khanh trả lời
-
BS Trương Hữu Khanh: Đừng tự tìm thêm 'nguồn lây', trước sau gì cũng do hít thở, hai bàn tay và mũi miệng
-
4 dấu hiệu trên bàn tay cảnh báo mạch máu bị tắc nghẽn, chớ dại bỏ qua