Bà bầu 3 tháng cuối muốn sinh con ra khỏe mạnh đủ cân, xương cứng cáp thì nhớ bổ sung dưỡng chất sau

( PHUNUTODAY ) - Thời gian này, thai nhi hấp thụ một lượng lớn dưỡng chất của mẹ nên điều quan trọng là bạn phải chú ý chế độ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Điều này giúp bạn giảm mệt mỏi, khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, cơ thể có đầy đủ các chất cần thiết để chuẩn bị cho cuộc vượt cạn thành công.

3 tháng cuối là giai đoạn thai nhi có sự biến chuyển “vượt bậc”. Vì vậy bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ cần bổ sung đủ các dưỡng chất quan trọng sau:

Chất đạm

Đây là dưỡng chất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Nhờ chất đạm, cơ thể bé cưng sẽ trở nên cứng cáp hơn. Không chỉ vậy, bổ sung chất đạm còn giúp mẹ gia tăng “sản lượng sữa” cho hành trình nuôi con sắp tới. Những thực phẩm giàu chất đạm gồm có thịt gà, thịt lợn, thịt bò, cá, hải sản, trứng...

Chất béo

Đây là giai đoạn trí não của bé phát triển mạnh, do vậy bổ sung nhiều omega-3 trong 3 tháng cuối của thai kỳ là điều cần thiết. Có thể bổ sung chất này từ những loại thực phẩm như có chứa chất béo tự nhiên như các loại hạt (hạt óc chó, hạt chia, lạc, hạt dẻ cười...), các loại thủy hải sản (đặc biệt là cá hồi),...

Tinh bột

Đây là nguồn năng lượng cho hầu hết các hoạt động trong cơ thể mẹ bầu. Hơn nữa, theo các chuyên gia, tinh bột cũng là nguồn năng lượng duy nhất có ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển các tế bào thần kinh của thai nhi.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều chất bột đường dạng đơn giản lại có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Dẫn đến một số vấn đề sức khỏe cho cả mẹ và bé. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu nên cân đối chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng cuối của mình. Những loại thực phẩm tinh bột mẹ bầu nên ăn là khoai lang, gạo lức, bánh mì nguyên cám.

Canxi

Canxi luôn được các mẹ quan tâm vì tầm quan trọng của nó trong sự hình thành xương và răng của thai nhi. Canxi là dưỡng chất không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng cuối. Nếu mẹ bầu không bổ sung đủ lượng canxi cần thiết, em bé có thể “hút” canxi từ cơ thể mẹ, dẫn đến mẹ có nguy cơ loãng xương sau sinh. Các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, phô mai cùng hải sản, tôm, cua là nguồn cung cấp canxi cần thiết cho cả mẹ và bé trong giai đoạn này.

Sắt

Bổ sung sắt khi mang thai giúp hạn chế nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt. Tình trạng phổ biến ở hầu hết phụ nữ mang thai. Thịt bò, bí ngô, chuối, quả chà là khô, các loại đậu đỗ là những thực phẩm rất giàu chất sắt mẹ bầu 3 tháng cuối nên bổ sung vào chế độ ăn của mình.

Nước và các loại vitamin

Uống thật nhiều nước khi mang thai sẽ giúp bạn có đủ lượng nước ối cần thiết. Đồng thời làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và hạn chế nguy cơ táo bón khi mang thai.

Các loại vitamin như vitamin C, vitamin B6, B12 có vai trò hỗ trợ cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể mẹ và bé. Những vitamin này rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là sự phát triển khỏe mạnh của cơ. Ngoài ra còn ngăn ngừa táo bón là khá phổ biến ở giai đoạn này. Trái cây có múi, chuối, cà rốt, đậu quả thận, ngũ cốc nguyên hạt và hạt hạnh nhân giàu các vitamin này.

Những lưu ý đối với chế độ ăn uống của mẹ bầu trong 3 tháng cuối:

- Nên chia nhỏ các bữa ăn thành 5 - 6 bữa thay vì 3 bữa chính. Không nên bỏ bữa hay nhịn ăn lâu.

- Cần uống nhiều nước, không nên ăn mặn để tránh bị phù nề.

- Không ăn đồ ăn nhiều chất béo, nhiều dầu mỡ để tránh tăng cân quá nhiều. Bổ sung chất béo cho cơ thể từ những loại thực phẩm tự nhiên.

- Ăn nhiều rau và trái cây ngừa táo bón.

- Cho cá vào thực đơn (2 bữa/tuần) để bổ sung thêm omega 3 cho trí não của bé phát triển toàn diện.

- Bổ sung vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Ăn chín uống sạch, tránh ăn đồ sống, phô mai chưa tiệt trùng để tránh nguy cơ sảy thai, sinh non.