Số lượng F0 điều trị tại nhà ở TP HCM hiện nay rất cao, nhiều người lo lắng nếu bệnh trở nặng, đường dây hỗ trợ chẳng may quá tải, các bệnh nhân sẽ không biết làm gì để cải thiện tình trạng trước lúc nhân viên y tế đến cấp cứu kịp thời.
Về vấn đề này, PV Tri Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM.
Theo BS Khanh, nếu chẳng may trong gia đình có nhiều người nhiễm Covid-19, cần phân loại người có yếu tố nguy cơ cao, bệnh dễ chuyển nặng để có kế hoạch theo dõi sát hơn.
Cụ thể, những người nguy cơ cao gồm: người lớn tuổi > 65 tuổi, người có bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, xơ gan…).
"Sau khi xác định những đối tượng nguy cơ cao trong gia đình, chúng ta nên gọi y tế địa phương thông báo tình trạng gia đình mình có bao nhiêu người thuộc diện nguy cơ cao (Trạm y tế, Tổ phản ứng nhanh của địa phương nơi mình sinh sống).
Trường hợp tổng đài hỗ trợ quá tải, chúng ta nên bình tĩnh và gọi lại sau. Tiếp theo, chúng ta có thể gọi Tổng đài 1022, bấm phím "3" theo các khung giờ trong tất cả các ngày (8-10h; 14-16h, 19-21h), sẽ có đội ngũ y bác sĩ tư vấn từ xa của Hội Y học TP.HCM và Sở Y tế hỗ trợ theo dõi bệnh nhân tại nhà. TP cũng mở rộng rất nhiều kênh để có thể theo dõi F0 tại nhà như Tổ y tế từ xa...", BS Khanh cho hay.
Cũng theo BS Khanh, bệnh nhân nhiễm COVID-19 thường sẽ trở nặng vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 10, từ chuyên môn hay gọi thời điểm này là thời điểm có thể xảy ra cơn bão cytokine, bệnh nhân trở nặng do chính phản ứng miễn dịch của cơ thể. Bệnh nhân có biểu hiện như hụt hơi, khó thở, đau ngực.
Người thân có thể giúp theo dõi giai đoạn phát hiện triệu chứng chuyển nặng này bằng cách đếm nhịp thở của bệnh nhân. Trong quá trình đếm, người chăm sóc không để bệnh nhân biết là mình đang đếm nhịp thở cho họ. 1 lần lồng ngực phình lên xẹp xuống là 1 nhịp thở, đếm nhịp thở bệnh nhân trong 1 phút. Nếu > 20 lần/ phút, bệnh nhân đã có dấu hiệu thiếu Oxy máu (dù bệnh nhân vẫn thấy mình khỏe).
Trường hợp theo dõi F0 tại nhà, thấy bệnh nhân thở nhanh trên 30 lần/phút, SpO2 tụt liên tục < 93%, gia đình gọi ngay 115 hay 1055 và các đường dây nóng của y tế địa phương để được chuyển bệnh nhân nhập viện điều trị.
Lúc này, F0 sẽ cần dùng đến các thuốc kháng viêm liều cao, kháng đông, hay kháng sinh phối hợp nếu có bội nhiễm vi trùng.
Việc dùng thuốc đúng thời điểm giúp giảm độ nặng và giảm biến chứng bệnh. Tìm oxy, tập thở cho F0 trong lúc chờ liên hệ lực lượng y tế.
"Trong lúc chờ liên hệ được với y tế, người thân có thể hướng dẫn F0 tập thở. Cách tập như sau: Tập hít sâu một cách nhẹ nhàng từ từ rồi thở ra bằng miệng từ từ.
Khi tập thở, F0 cũng chỉ nghĩ đến hơi hít vào, thở ra, không nghĩ những vấn đề khác để cơ thể thư giãn, tập liên tục 15 phút cho mỗi lần. F0 tập như vậy ở nhiều tư thế: nằm ngửa, nằm nghiêng trái, nằm nghiêng phải, nằm xấp, nếu thấy mệt thì ngưng tập, khi nào khỏe lại tập tiếp.
Việc tập thở ở nhiều tư thế rất quan trọng vì bệnh COVID-19 gây bất tương xứng thông khí tưới máu giữa các vùng phế nang. Vì vậy tập thở ở nhiều tư thế giúp cải thiện vấn đề này và việc thông khí của bệnh nhân tốt hơn, giảm tổn thương các phế nang nhiều hơn. Việc tập thở này nên duy trì liên tục trong thời gian mắc bệnh", BS Khanh cho hay.
Ngoài ra, BS Khanh còn lưu ý, ngay từ những ngày đầu khi có người thân trong gia đình mắc COVID-19, chúng ta nên chuẩn bị sẵn những thuốc cần dùng: Thuốc hạ sốt, vitamin C, thuốc dành cho những bệnh nhân có bệnh nền mạn tính, đặc biệt nếu chuẩn bị được máy đo nồng độ oxy thì càng tốt.
"Nhưng quan trọng khi bệnh trở nặng, người nhà cần làm tâm lý thật tốt cho bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân tập thở đều, tránh gây hoang mang, lo lắng cho người bệnh", BS Khanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, F0 điều trị cách ly tại nhà cũng cần tuân thủ những điều sau:
Thứ nhất, phải chuẩn bị khu vực cách ly trong nhà với điều kiện hoặc có phòng riêng, hoặc có khu riêng biệt, có phòng vệ sinh riêng. Phải có số điện thoại của cơ sở y tế, của nhân viên y tế được phân công theo dõi, số điện thoại của bác sĩ tư vấn.
Đồng thời, người cách ly cần phải chuẩn bị một số vật dụng tối thiểu cần thiết như: Dung dịch khử khuẩn tay, nước súc họng, khẩu trang y tế, cặp nhiệt độ, cồn sát trùng...
Thứ hai, Thứ trưởng khuyến cáo người dân nên mở cửa sổ tạo không khí thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa trong phòng.
Thứ ba, người cách ly cần đeo khẩu trang thường xuyên trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Phải thay khẩu trang 2 lần/ngày và khử khuẩn bằng cồn, hoặc thuốc sát trùng trước khi bỏ khẩu trang.
Thứ tư, thường xuyên khử khuẩn tay các vật dụng, bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo sau khi sử dụng.
Thứ năm, cần đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi thấy có dấu hiệu ớn lạnh, sốt. Ghi ghép thân nhiệt và báo cáo cho nhân viên y tế hàng ngày.
Thứ sáu, mọi người cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.
Thứ bảy, uống nhiều nước và bổ sung vitamin khoáng chất thường xuyên.
Thứ tám, cần tập thể dục tại chỗ hàng ngày và tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.
Thứ chín, yêu cầu nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm lại hoặc được hướng dẫn tự lấy mẫu lấy nhà sau 7 ngày cách ly.
Tác giả: Thạch Thảo
-
1 tháng sau tiêm vắc xin Covid-19: Dấu hiệu nào bạn cần đặc biệt lưu ý?
-
Chuyên gia cảnh báo: 1 nhóm người mắc Covid-19 dễ chuyển nặng và có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam
-
Những địa phương lùi thời gian tựu trường, không tổ chức khai giảng do Covid-19
-
Ho, sốt nhưng 'cố thủ' ở nhà gần 10 ngày tự chữa, một người dương tính và nhiều người liên lụy
-
Hà Nội thêm 7 ca Covid-19, trong đó có 3 người ở HH4C Linh Đàm