Bánh chưng Tết bị mốc, cắt phần bị mốc còn ăn được không?

( PHUNUTODAY ) - Thời tiết Tết nóng, bánh chưng hay bị mốc, vậy tôi có nên cắt bỏ phần mốc, tiếp tục ăn phần còn lại không?

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: Dịp Tết, các gia đình gói bánh số lượng nhiều và để trong thời gian dài, bánh sẽ dễ bị mốc ở phần góc cạnh, không lan rộng ra cả bánh. Bạn có thể cắt bỏ chỗ mốc và ăn các phần còn lại.

Lưu ý, nấm mốc xuất hiện ở một góc bánh, nhưng một số chủng nấm mốc có khả năng lên men làm bánh bị chua. Do đó, bạn cần cắt bỏ rộng ra xung quanh, chỉ lấy phần bánh còn nguyên lành, sau đó đem bánh hấp hoặc chiên cẩn thận trước khi ăn.

Trường hợp phần mốc lan ra quá nhiều, nên bỏ cả bánh, bởi khi đó vi khuẩn đã xâm nhập sâu bên trong, nếu ăn sẽ dễ gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa.

Bên cạnh đó, để bảo quản tốt bánh chưng thì bạn có thể áp dụng một số cách sau:

  • Bảo quản bánh chưng bằng cách để nguyên lá gói và cho vào tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần mặt cắt lấy giấy nilon bao kín lại.
  • Nếu bánh có hiện tượng lại gạo (bánh cứng), nên luộc, chiên hoặc hấp lại và tiếp tục dùng. Bánh chưng để vào ngăn mát tủ lạnh có thể bảo quản 7-10 ngày.
  • Nếu có điều kiện thì bạn có thể hút chân không để cất trữ bánh hợp vệ sinh, có thể bảo quản được 5-10 ngày ở điều kiện bình thường, từ 15-20 ngày nếu để trong tủ lạnh.
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể cho bánh vào ngăn đá tủ lạnh để bảo quản, khi muốn ăn thì nên rã đông từ từ bằng cách cho xuống ngăn mát vài giờ rồi đem đi hấp, luộc lại để tránh bánh chưng bị sượng cứng.

Nhìn chung, tốt nhất bạn không nên ăn thực phẩm đã bị mốc vì thực phẩm nấm mốc sẽ sinh ra độc tố.

Tác giả: Dương Ngọc