BS Trương Hữu Khanh hướng dẫn 6 tư thế nằm giúp F0 dễ thở, ai cũng nên biết

( PHUNUTODAY ) - Một số tư thế nằm sẽ giúp các F0 cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn, cải thiện tình trạng khó thở.

BS Trương Hữu Khanh chia sẻ trên Người Lao động: Bình thường chúng ta hiếm khi sử dụng hết lá phổi của mình. Khi nằm, ngồi theo các kiểu dưới đây, chúng ta sẽ huy động được toàn bộ lá phổi. Vì vậy, việc hô hấp dễ dàng hơn, giúp cải thiện nồng độ oxy trong máu ngoại vi (chỉ số SPO2).

BS Khanh cho biết, ngay cả khi nhập viện và được hỗ trợ hô hấp bằng các thiết bị, các F0 vẫn được yêu cầu nằm theo các tư thế này.

Điều này có lợi cho các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng khó thở nhưng vẫn trong thời gian chờ chuyển đến viện. Nếu bệnh không quá nặng, F0 có thể tự cải thiện chỉ số SPO2 trước khi vào viện.

Ảnh minh họa

Covid-19 cũng giống như các bệnh khác, ngoài sự can thiệp từ bác sĩ và các thiết bị, ý chí của bệnh nhân luôn quan trọng. Những người bệnh nhẹ hoặc đang trong giai đoạn phục hồi nếu chịu khó vận động, tập thể dục nhẹ nhàng thì sẽ mau khỏi bệnh hơn.

Theo BS Khanh, khi cảm thấy khó thở, người bệnh nên thử tập thở trước rồi mới đến nằm. Cách tập thở rất đơn giản. Hãy ngồi thẳng, hít vào bằng mũi thật sâu, tập trưng hơi ở bụng sau đó từ từ thở ra bằng miệng. Cách này không chỉ giúp cải thiện chức năng hô hấp mà còn giảm lo âu, giúp người bệnh bình tĩnh và phân loại biệt được trường hợp khó thở do lo lắng chứ không phải do Covid-19.

Nếu kết quả đo oxy cho thấy nồng độ SPO2 thấp hơn 94% hay thấy mệt, bệnh nhân được chăm sóc tại nhà nên nằm sấp để cải thiện nhịp thở, tăng độ bão hòa oxy.

Trình tự 6 tư thế nằm sấp giúp bệnh nhân dễ thở, cải thiện nồng độ oxy trong máu:

Bắt đầu bằng cách nằm sấp trên giường phẳng trong khoảng 30 phút đến 2 giờ.

Chuyển sang tư thế nằm nghiêng bên phải trong 30 phút đến 2 giờ.

Chuyển sang ngồi dậy (30-60 độ) từ 30 phút đến 2 giờ.

Chuyển sang nằm nghiên bên trái trong 30 phút đến 2 giờ.

Chuyển sang nằm sấp và co chân trong 30 phút đến 2 giờ.

Trở lại vị trí nằm sấp trong 30 phút đến 2 giờ.

Tiếp tục theo dõi nồng độ oxy sau mỗi lần thay đổi vị trí. Nếu nồng độ oxy xuống dưới 92%, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ và tìm kiếm sự chăm sóc từ nhân viên y tế.

Lưu ý, tránh nằm sấp với các trường hợp sau: Phụ nữ mang thai, người có huyết khối tĩnh mạch sâu, người mác bệnh tim mạch, người gặp các vấn đề về cột sống, gãy xương.

Tác giả: Thanh Huyền