Cà phê ngày càng phổ biến với người Việt. Có người chọn khởi động một ngày mới bằng một ly cà phê nóng hổi. Có người thư giãn, nạp lại năng lượng cho bản thân sau một buổi làm việc mệt mỏi bằng cách uống một ly cà phê đá mát lạnh. Lựa chọn giữa cà phê pha nóng và cà phê pha lạnh (cà phê cold brew) thường dựa trên sở thích cá nhân hoặc thậm chí dựa vào thời tiết hay thời điểm trong ngày. Vậy hai kiểu pha cà phê này có mang lại lợi ích sức khỏe khác nhau không?
Cà phê cold brew (cà phê lạnh) là gì?
Cà phê cold brew, loại cà phê được pha bằng nước lạnh, đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Nó không phải là cà phê đá thông thường được làm bằng cách bỏ đá vào cà phê nóng hoặc cho vào tủ lạnh để làm lạnh. Thay vì sử dụng nước nóng, cà phê cold brew được pha bằng cách ngâm cà phê trong nước lạnh khoảng 12 – 24 tiếng. Phương pháp này giúp cà phê bớt đắng hơn so với pha nóng.
Cách pha chế cà phê cold brew đơn giản tại nhà
- Mua cà phê rang nguyên hạt rồi xay mịn, hoặc có thể sử dụng các loại cà phê xay sẵn.
- Cho 1 cốc bột cà phê vào bình thủy tinh lớn và từ từ cho 4 cốc nước vào, sau đó khuấy đều.
- Đậy nắp bình và để hỗn hợp cà phê và nước trong tủ lạnh từ 12 – 24 tiếng.
- Lọc hỗn hợp trên qua giấy lọc. Phần nước cà phê nhận được sẽ ở dạng cô đặc. Cho nước cà phê cô đặc này vào một bình có nắp.
- Đậy bình bằng nắp kín và có thể bảo quản trong tủ lạnh đến 2 tuần.
- Trước khi uống, bạn hãy pha loãng nước cà phê cô đặc bằng cách thêm 1/2 cốc (120 ml) nước lạnh vào 1/2 cốc (120 ml) cà phê cold brew cô đặc. Đổ hỗn hợp này từ từ vào cốc có đá, thêm kem hoặc sữa nếu thích và thưởng thức.
So sánh cà phê nóng và cà phê lạnh
1. Chất chống oxy hóa
Một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Scientific Reports đã chứng minh điều này. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Thomas Jefferson, Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ, phát hiện ra rằng cà phê pha nóng có hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn cà phê cold brew. Chất chống oxy hóa có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tổn thương tế bào.
2. Caffeine
Caffeine có cả tác động tích cực và tiêu cực đến cơ thể. Nó làm tăng sự tỉnh táo của não và mức năng lượng chung, nhưng cũng sẽ làm tăng axit trong dạ dày dẫn đến khó chịu ở bụng đối với một số người. Nó có thể khiến con người bị tăng huyết áp và nhịp tim, tăng đi tiểu khi tiêu thụ caffeine.
Lượng caffeine rất khác nhau trong cà phê tự pha và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả loại hạt được sử dụng. Một nghiên cứu năm 2020 của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ phát hiện ra phương pháp pha cà phê nóng mang lại lượng caffeine cao hơn một chút so với phương pháp cold brew. Tuy nhiên, sự khác biệt không quá nhiều. Vì vậy, nói chung, bạn vẫn nhận được một liều caffeine nhất định cho dù bạn uống cà phê pha nóng hay lạnh.
3. Mùi hương
Điểm khác biệt của một tách cà phê nóng với cà phê cold brew đó chính là mùi hương. Cà phê nóng có nhiều hơi tỏa ra hơn, nên có thể giảm mệt mỏi và căng thẳng hơn khi dùng cà phê nóng so với cà phê lạnh.
Tuy nhiên, cà phê lạnh có tính axit yếu hơn cà phê nóng do hạt cà phê đã ngâm trong nước lạnh một ngày. Do đó, bạn có thể cảm thấy cà phê lạnh ngon hơn cà phê đá hoặc cà phê nóng. Không những thế, vì tính axit có trong cà phê lạnh rất yếu, bạn cũng không cần làm dịu vị axit của cà phê bằng cách dùng đến những thành phần đi kèm như kem, sữa hoặc đường và biến tách cà phê của bạn thành một “quả bom” calo đối với cơ thể mình như bạn thường làm với các loại cà phê đá hoặc nóng thông thường.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Thêm thứ gia vị nhà bếp này vào cà phê tưởng là dại ai ngờ nhận được nhiều lợi ích to lớn
-
3 công thức làm đẹp từ bã cà phê và dầu dừa để da đẹp không tỳ vết
-
6 nhầm tưởng về cà phê và 4 nhóm người thích đến mấy cũng không nên uống
-
Những dấu hiệu cho thấy bạn nên dừng việc uống cà phê lại, nếu không muốn rước bệnh
-
Uống cà phê vào 2 khung giờ sẽ nhận lại được 6 lợi ích tốt như nhân sâm