Phần lớn các mẹ bầu thường có tâm lý muốn sinh con bằng phương pháp tự nhiên. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng có thể sinh con theo phương pháp tự nhiên được. Tùy vào từng trường hợp của mỗi người mà bạn chọn sinh thường tự nhiên hay sinh mổ, có một vài trường hợp bắt buộc sinh mổ đẻ theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn sức khỏe mà các mẹ cần biết để có thể chuẩn bị tâm lý trước.
1. Có tiền sử sinh mổ
Đối với các mẹ sinh con lần hai hoặc ba, nếu lần trước là sinh mổ, mẹ thường được chỉ định tương tự cho lần này. Tuy nhiên,thời gian sinh con lần trước và lần sau cách nhau đủ xa để vết mổ hoàn toàn hồi phục và sức khỏe mẹ đảm bảo an toàn thì bác sĩ sẽ dựa vào điều kiện sức khỏe của mẹ để sinh mổ.
Trường hợp sợ mình không chịu đựng nổi cảm giác đau đớn lúc sinh thường, mẹ bầu có thể yêu cầu chọn phương pháp sinh không đau bằng cách tiêm thuốc gây tê ngoài màng cứng hoặc tủy sống.
2. Thai nhi quá lớn
Trong trường hợp thai nhi có cân nặng quá mức cho phép sẽ rất khó để đi qua khung xương chậu của mẹ khi chào đời, đặc biệt với những em bé có mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Vì vậy, trường hợp này mẹ thường được chỉ định mổ. Ngoài ra, một số mẹ bầu có khung xương chậu quá nhỏ sẽ không đủ không gian để thai nhi chui qua đó nên không thể sinh thường.
3. Vị trí thai không thuận
Nếu xét ở mức độ bình thường thì vị trí của thai nhi trong những tuần cuối thai kỳ là đầu quay xuống dưới, mặt úp vào phía trong bụng mẹ. Tuy nhiên, nếu trong những tuần cuối của thai kỳ em bé nằm ngang hoặc vị trí ngôi mông thì bắt buộc phải mổ. Nếu vẫn để đẻ theo phương pháp tự nhiên thì độ rủi ro có thể dẫn đến suy thai hoặc em bé không nhận đủ oxy.
4. Đứt nhau thai
Đây là trường hợp nhau thai bị bong khỏi lớp niêm mạc tử cung. Điều này có thể xảy ra trong tam cá nguyệt thứ ba hoặc khi bạn chuẩn bị chuyển dạ.
Nếu gần ngày sinh, thai phụ có thể được chỉ định sinh sớm, dù vết đứt ở nhau thai là nhỏ, phòng trường hợp nhau thai vết đứt to ra sau này. Phần lớn trong trường hợp này thai phụ được chỉ định mổ đẻ. Tuy nhiên nếu vết đứt ở nhau thai quá nhỏ, cả mẹ và bé đều ổn thì thai phụ có thể được chờ đến cơn chuyển dạ thật. Tuy nhiên, thai phụ vẫn nên đề phòng nguy cơ phải nhập viện mổ đẻ nếu vết đứt lớn hơn.
5. Đa thai
Đa thai là có hơn một thai nhi trong tử cung người mẹ. Trong đó, thường gặp nhất là song thai (sinh đôi); sinh ba, sinh tư, sinh năm hiếm gặp hơn. Tỷ lệ sinh đôi vào khoảng 1/80 – 1/100 trong tổng số sinh. Đa thai tự nhiên có thể do yếu tố di truyền, yếu tố gia đình, số lần sinh.
Phụ nữ mang thai đôi, ba có thể gặp khó khăn trong việc sinh thường vì vậy những trường hợp này thường được chỉ định sinh mổ. Những ca sinh đôi còn có thể đẻ thường nhưng khi mang bầu 3-4 thai thường được chỉ định đẻ mổ trước ngày dự sinh để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
6. Sa dây rốn
Dây rốn là cầu nối quan trọng giữa mẹ và bé giúp vận chuyển oxy cùng các dưỡng chất cho bé cưng phát triển. Trong quá trình chuyển dạ, dây rốn sẽ bị chèn ép trong một thời gian ngắn do các cơn co. Đây là hiện tượng bình thường tự nhiên, và em bé sẽ tự biết cách điều chỉnh để chui ra ngoài. Tuy nhiên nếu thời gian dây rốn bị chèn ép kéo dài, có thể sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm.
Mặc dù hiếm xảy ra, dây rốn có thể trượt qua cổ tử cung và ra ngoài trước khi em bé ra, cản trở quá trình sinh thường. Do vậy, trường hợp này cũng được chỉ định mổ khẩn cấp.
Tác giả: Hồ Thị Huyền Trang