Nếu xét từ góc độ sinh lý, độ tuổi 22 có thể được coi là thời kỳ "rực rỡ" để phụ nữ mang thai. Chị em thậm chí còn càng dễ mang thai hơn trong những năm 20 tuổi. Hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt thất thường của tuổi thanh thiếu niên đã gần như đã chấm dứt, do vậy việc xác định chu kỳ rụng trứng cũng trở nên dễ dàng hơn. Hơn nữa, trứng trong thời kỳ này cũng là những trứng khỏe mạnh nhất.
Người phụ nữ ở độ tuổi từ 22-25 có sức khỏe sinh sản tốt nhất vì cơ thể đã phát triển toàn diện. Trong độ tuổi này người phụ nữ đã phát triển đầy đủ về cả tâm – sinh lý cho việc mang thai và làm mẹ. Ngoài ra, nếu chị em muốn sinh hai con thì cần phải chú ý khoảng cách giữa 2 lần sinh để đảm bảo sức khỏe cho người phụ nữ và chăm sóc tốt con cái. Do đó sau 3 đến 5 năm chị em mới nên sinh đứa con tiếp theo, khi cơ thể đã phục hồi hoàn toàn sau lần sinh đẻ trước. Vì vậy, nếu tính độ tuổi thì tầm 25-26 tuổi mẹ nên sinh đứa thứ hai, miễn sao trước 30 tuổi.
Không nên sinh con ở độ tuổi trước 20
Nếu sinh con trước 20 tuổi, lúc này cơ thể người phụ nữ chưa phát triển hoàn chỉnh bởi khung chậu hẹp nên trong quá trình chuyển dạ thường gây đẻ khó, dễ có tai biến cho con (chuyển dạ lâu thai dễ bị ngạt) và tai biến cho mẹ.
Khi mẹ mang thai ở độ tuổi vị thành niên, con thường có tỷ lệ tử vong và cân nặng thấp dưới 2500g cao hơn những mà mẹ đủ tuổi do nhiều nguyên nhân như cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn chỉnh, không có kiến thức làm mẹ, không biết cách hoặc không được chăm sóc khi mang thai khiến quá trình sinh trường và phát triển của thai nhi bị ảnh hưởng,…
Lý do nên sinh con ở độ tuổi 22-25
Một cơ thể trẻ khỏe từ độ tuổi 22 sẽ dễ dàng chịu đựng được áp lực trên xương, lưng và cơ bắp khi mang thai hơn. Hơn nữa, khi chị em còn trẻ thì thông thường bố mẹ đẻ vẫn còn đủ sức để giúp đỡ các chị em khi sinh nở cũng như chăm các bé.
Các nguy cơ biến chứng liên quan đến thai nhi nói chung đều khá thấp từ độ tuổi 22-25, chỉ có ngoại lệ đáng chú ý với tiền sản giật và tăng huyết áp do thai kỳ. Tuy nhiên, tiền sản giật ít liên quan tới tuổi tác, nhưng trên thực tế thống kê cho thấy tình trạng này thường xảy ra với lần mang thai đầu tiên. Ngoài ra, mẹ trẻ cũng có thể sinh con thiếu cân nếu tiếp tục duy trì các thói quen xấu từ tuổi thanh niên như hút thuốc lá, ăn uống thất thường, hay tình dục không an toàn dẫn đến lây nhiễm bệnh qua đường tình dục.