Những ngày gần đây, thông tin chia sẻ của một người mẹ về hình ảnh con gái 5 tuổi bị ngộ độc và dị ứng sau khi dùng trà sữa trên mạng xã hội đã khiến nhiều người lo lắng. Theo chị H.T.H – mẹ của cháu bé cho biết, khi con gái cùng chồng chị đi tập thể dục, trên đường về cháu kêu khát và đòi uống nước. Chồng chị định mua nước mía nhưng cô con gái đòi uống trà sữa. Sau khi uống xong trà sữa, bé vẫn ăn tối bình thường và trong bữa ăn không có món gì lạ. Đến đêm, cháu bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy liên tục. Sáng ngày hôm sau, khắp người bé nổi ban nên gia đình vội đưa vào bệnh viện cấp cứu. Vào viện, cháu đã được bác sĩ điều trị thải độc, chống dị ứng.
Trước đó, BVĐK tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận bệnh nhân 14 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng ngộ độc thực phẩm nặng sau khi mua và sử dụng sản phẩm trà sữa gần nhà. Bệnh nhi bị suy thận, suy gan, rối loạn đông máu, nhiễm trùng tiêu hóa nặng phải thở máy, lọc máu liên tục để loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể.
Ngoài trà sữa, không ít người còn trở thành nạn nhân của các loại nước giải nhiệt. Chị Nguyễn Thị Sáu (ở Hà Nội) cho rằng, các loại thực phẩm như rau má, râu ngô… lành tính, không có chất độc nên mua về làm nước giải nhiệt, ngày nào cũng uống thay nước lọc. Sau vài hôm, chị thấy cơ thể khó chịu, bụng ì ạch, tiêu chảy. Mua thuốc cầm tiêu chảy nhưng không đỡ, gia đình đưa chị vào viện trong tình trạng mất nước nặng phải bù điện giải.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (ĐHBK Hà Nội), dị ứng hay ngộ độc thức ăn, nước uống có thể xảy ra với bất kể thực phẩm nào khi chế biến không hợp vệ sinh, có thể khiến người ăn bị nôn trớ, tiêu chảy... Trà sữa nếu được làm đúng cách đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu, có xuất xứ rõ ràng và cách pha chế đảm bảo vệ sinh sẽ không gây ra ngộ độc thực phẩm cho người uống.
Việc chế biến trà sữa, trân châu không đảm bảo vệ sinh có thể bị nhiễm khuẩn hoặc nguyên liệu trân châu nhập lậu, sử dụng phụ gia, phẩm màu ngoài danh mục cho phép sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Nguy cơ bị nhiễm bẩn với sản phẩm bày bán vỉa hè, đường phố sẽ lớn hơn. Quá trình bảo quản không sạch sẽ hoặc chân tay người làm kém vệ sinh sẽ tăng nguy cơ nhiễm độc.
Trẻ nhỏ sức đề kháng kém, bộ máy tiêu hóa còn yếu nên nguy cơ ngộ độc cao. Trẻ cũng dễ sặc, ngạt vì cố hút hạt trân châu. Cha mẹ nên lưu ý và hạn chế cho trẻ uống trà sữa, nhất là nơi không đảm bảo vệ sinh.
Ngay cả khi chúng ta tự mua trà và sữa về tự làm cũng không tốt. Thứ nhất, do nguyên liệu, thành phần làm trà sữa mua ở chợ hay các cửa hàng chưa chắc đã đảm bảo chất lượng. Thứ hai, việc kết hợp trà và sữa sẽ làm triệt tiêu các công dụng của trà, đẩy nhanh quá trình đào thải canxi của sữa trước khi cơ thể được hấp thu. Hơn nữa, việc tiêu thụ bất cứ loại thực phẩm nào chứa nhiều đường, sữa hàng ngày đều không tốt cho sức khỏe. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ tăng cân, béo phì, thừa canxi có thể dẫn đến sỏi thận… Tốt nhất, không nên quá thường xuyên sử dụng món trà này.
Với các loại nước uống giải nhiệt được làm từ những loại thảo dược, lương y Vũ Quốc Trung cho rằng, khi dùng cũng cần phải thận trọng. Không phải loại thảo dược nào cũng lành tính. Khi sử dụng mỗi loại đều có những lưu ý và kiêng cữ riêng, người dùng cần phải nắm rõ. Nếu dùng thảo dược không cẩn thận dễ thành độc dược.
Thể chất người bệnh thuộc hàn mà thường xuyên dùng các loại thảo dược thanh nhiệt sẽ rất nguy hiểm, có thể gây tiêu chảy. Dùng nhiều hoặc lâu dài thuốc có chất lợi tiểu có thể làm mất cân bằng điện giải, tăng đào thải, kém hấp thu một số vi chất cần thiết cho cơ thể như Ca, K... Chẳng hạn như rau má có tính hàn, với những người lạnh bụng không nên dùng. Nếu người huyết áp thấp dùng rau má có thể gây tụt huyết áp đột ngột ảnh hưởng tới sức khoẻ, thậm chí hôn mê.
“Lưu ý, khi sử dụng thảo dược cần được rửa sạch sẽ. Ngoài ra, để tránh ngộ độc khi chọn mua thảo mộc ở dạng khô phải tránh thứ bị ẩm mốc và đã để quá lâu, không còn hoạt chất có lợi mà dễ bị ngộ độc nấm mốc”, lương y Vũ Quốc Trung cho hay.
Điều cần làm khi bị ngộ độc
Cho bệnh nhân uống thật nhiều nước
Nước giúp thanh lọc cơ thể, đào thải các chất độc chính vì vậy khi bị ngộ độc thức ăn người bệnh nên uống càng nhiều nước càng tốt. Lưu ý: nên uống nước lọc, nước khoáng thay vì sử dụng các loại nước ngọt, nước có gas.
Móc họng, nôn hết thức ăn ra ngoài
Khi bị ngộ độc thực phẩm thức ăn được đưa vào dạ dày gần như không được tiêu hóa, nếu để lâu dễ gây đau bụng, chướng bụng, xung đột chất trong cơ thể. Hơn nữa khi nôn được thức ăn ra bên ngoài người bệnh sẽ cảm thấy nhẹ bụng, hết âm ỉ khó chịu, giảm nhẹ triệu chứng ngộ độc thức ăn
Không uống thuốc bừa bãi
Có nhiều người khi bị ngộ độc thức ăn thấy bị đau bụng, khó chịu ngứa ngáy trong người liền uống ngay các loại thuốc chuyên khoa như giảm đau, chữa dị ứng… dẫn đến xung đột thuốc, thuốc phản tác dụng khiến tình trạng càng trở nên nghiêm trọng. Vì vậy khi bị ngộ độc bạn cần lựa chọn cho mình thuốc có tác dụng đào thải độc tố ở dạ dày ra bên ngoài tức thì sau đó nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa.
Tác giả: Thu