Thí điểm mô hình đưa phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam; khoản chi chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần với người trực tiếp tham gia kháng chiến; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động bảo dưỡng công trình khí là những chính sách sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2022.
1. Thí điểm mô hình đưa phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam
Chính sách lao động có ý nghĩa nhân văn, tạo điều kiện cho sự tái hoà nhập cộng đồng của phạm nhân nêu ra tại Nghị quyết 54/2022/QH15 là: thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01.9.2022 và được thực hiện trong 05 năm.
Trong đó, việc thí điểm mô hình đưa phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam được quy định:
+ Số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an.
+ Nguyên tắc đưa phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam phải tuyệt đối bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.
+ Không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những phạm nhân thuộc một trong các trường hợp sau: phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; phạm nhân đã bị kết án từ 02 lần trở lên; phạm nhân tái nguy hiểm; phạm nhân là người tổ chức trong vụ án đồng phạm về tội đặc biệt nguy hiểm.
2. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động bảo dưỡng công trình khí
Chính sách lao động tại Thông tư 12/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 09.9.2022 quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động bảo dưỡng công trình khí như sau:
Thời giờ làm việc:
Người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí làm việc theo ca và phiên làm việc. Trong đó ca làm việc không quá 12 giờ trong 1 ngày và phiên làm việc tối đa là 7 ngày.
Thời giờ nghỉ ngơi:
Nghỉ trong giờ làm việc: Nghỉ trong giờ làm việc tuân thủ quy định tại Điều 109 Bộ luật Lao động. Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.
Nghỉ chuyển phiên: Sau mỗi phiên làm việc, người lao động làm việc theo phiên được bố trí nghỉ liên tục với số ngày nghỉ bằng với số ngày làm việc trong phiên làm việc trước đó.
Nghỉ lễ, tết; Nghỉ hàng năm; Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương: Tuân thủ quy định tại Điều 110, Điều 112 đến Điều 115 Bộ luật Lao động. Trường hợp không thể bố trí nghỉ hàng năm cho người lao động, người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc nghỉ hàng năm vào thời gian nghỉ chuyển phiên.
3. Khoản chi chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần với người trực tiếp tham gia kháng chiến
Các khoản chi chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến theo Thông tư 44/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05.9.2022 thay thế Thông tư 101/2018/TT-BTC và Thông tư 148/2015/TT-BTC, gồm:
Trợ cấp hằng tháng và trợ cấp một lần
Đối tượng là người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30.4.1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg được trả trợ cấp một lần và hàng tháng.
Trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng:
+ Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg.
+ Quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định 38/2010/QĐ-TTg.
Trợ cấp một lần đối với các đối tượng sau:
+ Quân nhân, cán bộ đi chiến trường B, C, K trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng và quân nhân, cán bộ được Đảng cử lại miền Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 theo Nghị định 23/1999/NĐ-CP;
+ Người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg và Quyết định 188/2007/QĐ-TTg;
+ Thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định 40/2011/QĐ-TTg; thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến theo Nghị định 112/2017/NĐ-CP.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2022, liên quan tới người lao động - tiền lương
-
Những thay đổi gì xảy ra sau khi sổ hộ khẩu bị "khai tử": Người dân cần biết để không bị thiệt
-
3 chính sách mới về bảo hiểm, lao động và công chức: Người dân nên biết để không chịu thiệt
-
Chính sách tiền lương công chức, viên chức mới nhất: Hệ số tiền lương thay đổi ra sao?
-
3 chính sách mới nhất về Bảo hiểm - Lao động - Công chức chính thức có hiệu lực, người lao động cần biết