Chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra sai lầm phổ biến khiến thận tổn thương nghiêm trọng ở người Việt

( PHUNUTODAY ) - Đây là thói quen gây tổn thương thận, tổn hại sức khỏe nặng nề, bạn nên ghi nhớ.

Trung tâm Thận – Tiết niệu và Lọc máu (Bệnh viện Bạch Mai) đã ghi nhận nhiều trường hợp hội chứng thận hư tái phát do một sai lầm nghiêm trọng. Hầu hết các bệnh nhân này trước đó đã được chẩn đoán và điều trị ổn định tình trạng thận hư. Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất mà họ mắc phải là tự ý dừng thuốc mà không tuân theo chỉ định của bác sĩ, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, trong đó có tổn thương thận nặng.

ThS.BSNT Đào Thị Thu, chuyên gia tại Trung tâm Thận Tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nguyên nhân chủ yếu là bệnh nhân lầm tưởng rằng khi các triệu chứng như phù giảm hoặc kết quả xét nghiệm cải thiện thì bệnh đã khỏi. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân tự tìm hiểu thông tin về tác dụng phụ của thuốc và quyết định ngừng dùng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.

ThS.BSNT Đào Thị Thu, chuyên gia tại Trung tâm Thận Tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nguyên nhân chủ yếu là bệnh nhân lầm tưởng rằng khi các triệu chứng như phù giảm hoặc kết quả xét nghiệm cải thiện thì bệnh đã khỏi.

Trên thực tế, hội chứng thận hư cần được điều trị dài hạn, bao gồm giai đoạn tấn công để đạt được đáp ứng hoàn toàn, sau đó là điều trị duy trì để giữ cho bệnh ổn định. Thời gian điều trị sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể của bệnh nhân.

Bác sĩ Thu cảnh báo khẩn cấp rằng những bệnh nhân đã được chẩn đoán hội chứng thận hư tuyệt đối không nên tự ý ngừng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ, dù các triệu chứng như phù đã hết.

“Việc ngừng thuốc mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ sẽ khiến tổn thương thận tái phát, dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như tắc mạch, nhiễm trùng, thậm chí là suy thận nặng và cần phải lọc máu. Đây là sai lầm cực kỳ nguy hiểm mà chúng tôi luôn nhấn mạnh để bệnh nhân tránh,” bác sĩ Thu nhấn mạnh.

Triệu chứng của hội chứng thận hư bao gồm phù, thường xuất hiện ở mặt (như mí mắt sưng) vào buổi sáng và sau đó lan xuống chân. Nếu phù tiến triển nhanh, trong trường hợp nặng có thể gây tràn dịch ở nhiều màng, như ổ bụng, màng phổi, màng tim. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể tiểu ít, nước tiểu có nhiều bọt do protein niệu cao, và một số người có thể tiểu máu. Khi thấy các dấu hiệu này, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Triệu chứng của hội chứng thận hư bao gồm phù, thường xuất hiện ở mặt (như mí mắt sưng) vào buổi sáng và sau đó lan xuống chân.

Bác sĩ Thu cũng cho biết, nếu không kiểm soát tốt, hội chứng thận hư có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng, bao gồm:

Nhiễm trùng như viêm phổi, viêm mô tế bào, viêm phúc mạc tiên phát;

Huyết khối (tắc mạch chi dưới, tắc mạch phổi, mạch não...);

Suy thận (suy thận cấp, suy thận mạn), rối loạn điện giải và các biến chứng liên quan đến tác dụng phụ của thuốc.

Vì vậy, bệnh nhân cần tái khám định kỳ và tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa thận. Trước khi hết thuốc một ngày, bệnh nhân cần làm xét nghiệm máu, nước tiểu để điều chỉnh phác đồ kịp thời, tránh tự ý mua thuốc theo đơn cũ.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, ăn đủ đạm (1-1.5g/kg cân nặng/ngày), giảm muối (<2g/ngày), hạn chế đồ ngọt và chất béo xấu. Đặc biệt, việc tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm vacxin phòng phế cầu, viêm gan B là rất quan trọng để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng.

Tác giả: Bảo Ninh