Có 1 thứ càng khoe mẽ bao nhiêu, cuộc đời càng gặp phong ba sóng gió nhiều bấy nhiêu

( PHUNUTODAY ) - Người xưa từng nói rằng, trên đời có 1 thứ càng khoe mẽ, cuộc đời càng lắm tai ương.

Giấu đi sự tài ba của mình, cũng là một triết học trong việc xử thế. Có câu “hoa nên nở hé, rượu nên ngà ngà say”.

Khi làm việc gì cũng phải có chừng mực.

Lão Tử từng nói với Khổng Tử rằng: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu”. (Tức là: Thương nhân giỏi sẽ khéo giấu như không có đồ vật quý, quân tử đức lớn thường có dung mạo như kẻ ngu)

Chỗ uyên thâm của một người, không phải là họ thông minh đến đâu, mà là họ có biết cách giả ngốc và ẩn mình hay không.

Cách dạy con của tỷ phú Rockefeller Sr. cũng đã khiến gia tộc ông giàu có đến 7 đời.

Theo thống kê, hầu hết các gia đình “danh gia vọng tộc” trong lịch sử đều bị phá sản ở đời thứ 2, nên việc duy trì đến đời thứ 3 là điều gần như không thể tưởng. Vì thế, nhân gian có câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Tuy nhiên, câu nói này cũng không áp dụng với mọi trường hợp.

Tại Mỹ, gia tộc Rockefeller trải qua hơn 100 năm, đã giàu tới 6 đời. Bước sang thế hệ thứ 7 có đến 174 người thừa kế, gia tộc lớn này vẫn duy trì khối tài sản “khủng” với hơn 11 tỷ USD (năm 2019).

Người đầu tiên mang lại tiền tài và vinh quang cho gia tộc chính là tỷ phú John Davison Rockefeller Sr. (8/7/1839 – 23/5/1937) – là ông trùm kinh doanh và là nhà từ thiện; hơn nữa, ông là người Mỹ giàu có nhất mọi thời đại và cũng là người giàu có nhất trong lịch sử hiện đại.

Ngoài tài năng kinh doanh nhạy bén và óc sáng suốt, tỷ phú Rockefeller còn được người đời sau ngưỡng mộ, bởi cách nuôi dạy con cái tuyệt vời của ông. Những lời khuyên dặn của ông đến đời con cháu đều thể hiện tầm nhìn, có trí tuệ vượt bậc, nhờ đó giúp thế hệ sau tiếp nối vinh quang, sự hưng thịnhh cho gia tộc.

Trong suốt cuộc đời làm người của mình, “Vua dầu mỏ” Rockefeller đã viết cho con trai của ông 38 lá thư. Duy chỉ có một bức thư khiến nhiều người kinh ngạc, đó là lời dặn người con trai:

“Một người càng thông minh, càng phải biết cách giả vờ ngu ngốc”

“Một kẻ rêu rao về trí thông minh chính là kẻ ngu ngốc. Còn người biết giả ngốc mới thật sự thông minh” – Rockefeller viết thư trong dạy con. “Vua dầu mỏ” Rockefeller cũng kể lại câu chuyện thời trẻ của ông.

Một ngày nọ, lúc Rockefeller đang đi trên đường, thì có một nhân viên ngân hàng đến trước chặn lại, và hỏi ông có muốn vay 15.000 USD (344 triệu đồng) không? Cũng vừa tình cờ là lúc đó, Rockefeller đang suy nghĩ và cần huy động một khoản tiền. Tuy nhiên, ông vẫn không tỏ ra vồn vã mà giữ bình tĩnh và nói với nhân viên ngân hàng rằng ông cần thêm thời gian để suy nghĩ. Sau đó, Rockefeller đã ký được hợp đồng vay tiền với rất nhiều điều khoản có lợi.

Qua câu chuyện, ai cũng rõ ràng với việc Rockefeller giả vờ ngốc nghếch, cần phải suy nghĩ thêm về khoản tiền vay, đã khiến người nhân viên ngân hàng kia không còn đề cao cảnh giác. Nhờ như vậy mà ông đã được lợi hơn khi đàm phán. Khi kể lại điều này, vị tỷ phú giàu nhất mọi thời đại viết:

“So với việc phô bày trí thông minh, thì giả ngu ngốc có rất nhiều lợi ích. Quan trọng nhất là để người khác thả lỏng cảnh giác. Sau đó bạn nắm lấy cơ hội, lặng lẽ đi lên và khiến mọi người kinh ngạc”.

Đôi khi, cần phải học cách ẩn mình. Che giấu sự thông minh của bản thân không phải là điều yếu kém, mà là một loại trí huệ khác để sinh tồn. Biết ẩn mình vừa khiến đối phương lơ là, lại vừa có thể tích lũy được sức mạnh cho bản thân.

Hãy suy nghĩ sâu sắc và tính kỹ, hạn chế bộc lộ tài năng, và đừng nên rút những điều quý giá trong “bụng” đem nói ra. Nếu không hiểu đạo lý này, thì dù có bao nhiêu của quý hay báu vật, cuối cùng thì chúng cũng sẽ trở thành đồ vật trong túi của người khác!

Còn có 1 số người, vì không hiểu được hết loại tâm lý này, trong cuộc sống thường hay khoe khoang, trong công việc thì thích gây sự chú ý để được mọi người thừa nhận năng lực của mình. Nhưng đây lại là hành động hạ thấp giá trị bản thân. Bởi sau khi hình tượng được tạo dựng thì những đồng nghiệp sẽ đánh giá về người đó, chỉ cần lúc làm việc thể hiện hơi kém hoặc sai sót cũng sẽ bị người khác coi thường, và bài xích.

Vậy nên, cần học cách khiêm tốn để tránh bị người khác đố kỵ, tránh làm cho cuộc sống của mình mệt mỏi, hay bất an, và cản trở con đường phát triển của chính bản thân.

Càng biết cách giả “ngu ngốc” bao nhiêu, thì càng nhận được nhiều lợi ích bấy nhiêu. Thực tế những người thông minh thực sự, họ đều biết âm thầm hoàn thiện bản thân để trở nên tinh tế và bản lĩnh hơn, thay vì khoe khoang về bản thân.

Tác giả: Thạch Thảo