Cây ăn thịt có vẻ xa lạ với nhiều người nhưng lại là nguồn thu nhập chính cho những người yêu thích loại cây mới lạ này. Điển hình, cô gái 9X nuôi cây ăn thịt trên sân thượng, kiếm gần 20 triệu đồng/tháng.
Loại cây nghe tên đáng sợ nhưng ngoại hình đáng yêu
Chị Nguyễn Thị Hồng Thu (31 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) bén duyên với cây ăn thịt và cho thu nhập ổn định hàng tháng. Cô gái 9X chia sẻ, từ lâu chị đã có niềm đam mê mãnh liệt với các loại cây bắt mồi thông qua những bộ phim nước ngoài. Thấy vậy, chồng chị mới tìm hiểu trên mạng xã hội, đem hạt về trồng thử.
Trong khu vườn nhà chị có rất nhiều loại cây ăn thịt nghe tên có vẻ đáng sợ nhưng ngoại hình lại nhỏ nhắn và có ích. Nếu phát triển cực đại, các dòng cây ăn thịt có thể cao bằng hai ngón tay người trưởng thành. Hơn nữa, đặc tính săn mồi của chúng khá khác nhau. Các loài cây ăn thịt có nhiều phương cách để bẫy động vật. Cây nắp ấm (pitcher plant), cây loa kèn vàng (yellow trumpet) hay cây gọng vó (sundew) có chung cách thức bẫy côn trùng là dùng những chất có mùi ngọt, thơm của chúng để hấp dẫn côn trùng. Những chất nhầy nằm ở cuối thân hoa sẽ phân hủy xác côn trùng vô ý rơi vào bẫy thành thức ăn giúp chúng có thêm chất dinh dưỡng. Ngoài ra, có loài có lá cây có hình hai nắp chai úp vào nhau với hàm răng tua tủa, bên trong lá cây là hai sợi tóc rất nhạy cảm. Chỉ cần côn trùng đậu và chạm vào hai sợi tóc này, lá cây lập tức úp lại khiến côn trùng không thể thoát ra. Bên trong, chất phân hủy sẽ trào ra giết chết nạn nhân và biến chúng thành chất dinh dưỡng cho cây.
Chị Thu thiết kế nhà lưới bao phủ toàn bộ khu vườn rộng hơn 30m2 trên sân thượng. Tấm lưới này không chỉ bảo vệ cây khỏi những giọt mưa nặng hạt, mà còn điều tiết lượng ánh sáng vừa đủ cho cây. Không những vậy, chị còn thiết kế hệ thống tưới tiêu nối trực tiếp ở phía trên. Dòng nước từ hệ thống sẽ làm trôi giọt mưa, giúp cây không bị nhiễm khuẩn, nhiễm phèn.
Mỗi loại có giá thành khác nhau, tùy thuộc vào kích thước, loại cây, thường dao động từ 150.000-400.000 đồng/chậu. Chỉ với quy mô không quá lớn ngay trên sân thượng, các loại cây ăn thịt của chị Thu đã được bán cho những khách hàng trên khắp cả nước. Từ đó, công việc kinh doanh dễ dàng đem lại cho chị nguồn thu nhập từ 12-18 triệu đồng/tháng.
Lưu ý khi nuôi trồng cây ăn thịt
Chị Thu cho biết, không cần phải mất quá nhiều công sức để chăm sóc. Bởi vốn dĩ, chúng là loại cây có sức sống mạnh mẽ. Trong đó, người trồng chỉ cần lưu ý ba đặc điểm quan trọng nhất.
+ Ánh sáng
Những loại cây ăn thịt rất ưa ánh nắng mặt trời tự nhiên từ 4-8 tiếng, nếu trồng trong nhà thì có thể sử dụng đèn chiếu từ 12 tiếng để cây phát triển tốt hơn, kích thích lên màu, quang hợp. Song, người trồng cần tránh phơi dưới ánh nắng trực tiếp, cây sẽ dễ chết khô vì thiếu nước.
+ Lượng nước
Người chăm sóc nên tưới cây 2 lần/ngày, mỗi lần từ 3-5 phút. Nếu không có thời gian tưới cây, chúng ta có thể đặt một chiếc đĩa có sẵn nước bên dưới rồi tiến hành quá trình ngâm chậu. Cây ăn thịt sẽ tự hút nước lên để nuôi bản thân.
+ Chất dinh dưỡng
Một điểm đặc biệt đó là cây ăn thịt thực chất càng thiếu chất dinh dưỡng càng tốt. Vì vậy, người trồng chỉ cần trộn dớn và một ít đá Perlite để cây bám rễ. Bởi tập tính của cây là tự bắt mồi, tự nuôi từ chất dinh dưỡng của côn trùng. Nếu con người chủ động bắt mồi cho cây ăn thì chúng sẽ đóng nắp lại sớm, khiến cho cây mau chết hoặc chỉ ra lá. Sau một năm, người dùng có thể thay phần đất khác để các cây con tiếp tục lớn lên.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Quanh nhà xuất hiện 3 điều này, báo hiệu gia đình bạn chuẩn bị gặp nhiều may mắn, tài lộc
-
Nuôi con đặc sản “thích ăn lá mướp”: Anh nông dân thu 400 triệu đồng/năm
-
Nuôi "gà quen" theo “kiểu lạ”: Anh nông dân nhẹ nhàng thu lãi 300 triệu đồng
-
Anh nông dân đút túi 150 triệu/năm nhờ nuôi con đặc sản "nhìn giống chuột" : Vốn ít, rủi ro thấp, lợi nhuận cao
-
8X "bỏ phố về quê", trồng cây như cỏ dại: Ai ngờ đút túi cả tỷ đồng mỗi năm