Ăn uống cầm chừng, đêm nghỉ, ngày đạp xe, chàng trai đất mũi Cà Mau khiến nhiều người cảm phục khi một mình đạp xe từ điểm tận cùng Tổ quốc, ngược ra thủ đô Hà Nội, để thực hiện điều ước hiến một phần tạng cho những người đang cần. Đằng sau câu chuyện cảm động ấy là một triết lý sống cao đẹp.
Động lực từ câu chuyện bi thương
Nặng vẻn vẹn 37kg, cao chưa đầy 150cm, thân hình gầy guộc, sạm đen, Trần Nguyễn An Khương (28 tuổi, quê ở xã Tân Lộc, huyện Bình Thới, tỉnh Cà Mau) tạo thiện cảm với người đối diện ngay từ lần gặp đầu. Chàng trai nhỏ thó này vừa hoàn thành một hành trình dài mà ai nghe qua cũng phải khâm phục. Cảm động hơn khi biết, mục đích chuyến đi của anh là để thực hiện ước mơ được cứu giúp người khác. Ý nghĩ nhân văn ấy đã thôi thúc bước chân Khương lên đường và làm nên cuộc hành trình đầy cảm động.
Khương cho biết, để đảm bảo chuyến đi an toàn, hiệu quả, anh đã phải chuẩn bị kỹ càng từ thể lực, đến kiến thức ứng phó với bên ngoài, cả về thời tiết lẫn cách tự xoay sở. Thể hình nhỏ, yếu là một hạn chế rất lớn cho bất cứ ai đi phượt, nhất là phải đi xe đạp với một chặng đường dài. Do đó, Khương phải tập đi bộ, chạy bền. Song song đó, Khương tìm hiểu về bản đồ giao thông, tìm hiểu kiến thức địa lý, học cách ứng phó với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong chuyến đi. “Bạn đi theo đội nhóm cũng cần kỹ năng. Tuy nhiên nếu chỉ có một mình thì điều này càng đòi hỏi khắt khe hơn rất nhiều”, chàng trai nói.
Khi đã cảm thấy tự tin, Khương mới chuẩn bị lên đường. Lúc này thông tin Khương thực hiện hành trình ngược ra Bắc lan ra. Người thân, bạn bè ai nấy đều cho rằng, chàng thanh niên này bất thường, “yếu còn đòi ra gió”. Không ai tin một “thanh niên có thân hình trẻ con” lại có thể làm được việc khó khăn ấy. Họ khuyên Khương hãy suy nghĩ lại, bởi với một người thấp bé nhẹ cân như cậu, đó là điều không dễ để thực hiện được. Tuy nhiên, với một người giàu bản lĩnh như An Khương, cậu đã bỏ hết những lời ngoài tai và tự tin mình có thể vượt qua tất cả, miễn là có lòng quyết tâm. Ngày 12/4, chàng than niên bắt đầu khăn gói lên đường.
Điều gì thôi thúc cho chuyến đi này? An Khương cho biết, đó là câu chuyện của một người bạn thân đã quá cố. Người bạn ấy đang khỏe mạnh thì mắc bệnh suy thận. Năm 2013, người bạn của Khương qua đời. Suốt 2 tháng ròng thăm và chăm bạn, bác sĩ cho biết, cách duy nhất để cứu được mạng sống của bạn Khương là ghép thận. Nhưng điều đó đã không thể xảy ra... Khương thấy một điều, với khoa học hiện đại như ngày nay, phẫu thuật nội tạng đang có những bước tiến rất dài, có thể giúp con người ta chiến thắng bệnh tật, sống được lâu hơn. Vấn đề còn lại là việc san sẻ nguồn nội tạng. Suy nghĩ, trăn trở nhiều, An Khương cho rằng, sống là phải giúp đỡ người khác, cuộc đời mới tươi đẹp, ý nghĩa. “Khi bạn vì người khác thì việc cho đi một phần của cơ thể cũng là ý nghĩa hạnh phúc”, An Khương nói.
Từ một thông tin vô tình anh đọc được trên báo, tháng 4/2013, Khương quyết định đến Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM đăng ký hiến xác và tháng 8 cùng năm, tiếp tục đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đăng ký hiến đa tạng sau khi chết não. Cậu hy vọng cơ thể mình sau khi chết đi vẫn có thể cứu sống được ít nhất 7 người nữa. “Khi cầm thẻ đăng ký hiến mô tạng về nhà, ba mẹ em rất sốc. Mẹ em chỉ khóc, còn ba không nói gì. Nhưng sau khi nghe em thuyết phục, ba mẹ cũng rất ủng hộ”, Khương chia sẻ.
Khi đã thuyết phục được hai người quan trọng nhất, chàng thanh niên bắt đầu lên kế hoạch đạp xe xuyên Việt. Không chỉ thế, Khương còn mang thêm nhiều tờ rơi, thông điệp về hiến ghép mô, tạng và quyết định đến Trung tâm Điều phối Quốc gia vê ghép bộ phận cơ thể người (đặt tại Bệnh viện Việt Đức, TP. Hà Nội) đăng ký hiến sống một phần lá gan và quả thận của mình cho những bệnh nhân kém may mắn. Trong khi bản thân Khương cũng bị thấp khớp và vẹo cột sống.
Gia cảnh Khương rất nghèo. Bản thân anh là công nhân, lương thấp. Nhưng anh vẫn dành dụm để mua chiếc xe đạp 2,3 triệu đồng. Chuyến đi hơn 2.000km, anh chỉ cầm theo 5,6 triệu đồng. Ngoài chiếc xe đạp, Khương mang theo bếp cồn nhỏ để đun nước, nấu mì tôm.
Cho đi để được nhận nhiều hơn
Chàng trai “gàn” bên chiếc xe đạp
Chàng trai Cà Mau cho biết, quá trình đi dù âm thầm nhưng có một nguồn động viên rất lớn, đó là những người dân anh gặp trên đường. Họ nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ khi anh mệt mỏi, lạc đường. Có người biết đến câu chuyện của anh đã không ngớt trầm trồ thán phục. Có người mời ăn cơm, ngủ nghỉ miễn phí. Lại có người đề nghị dùng xe máy chở anh đi một đoạn để khỏi cực nhọc.
Chuyến đi cũng đã ít nhiều thay đổi những góc nhìn hạn chế bấy lâu của Khương. Cho chàng trai nhiều kiến thức, nhất là địa lý, lịch sử, văn hóa... nhất là kỹ năng xử lý tình huống, đối mặt với khó khăn và cách vượt qua nó. Khương đi qua thêm những vùng đất mới mà lâu nay anh chỉ mới biết qua tivi, cảm nhận được tổ quốc chúng ta còn nhiều danh thắng tươi đẹp. Đi để biết rằng, kiến thức của chúng ta chỉ là hạt bụi trong thế giới rộng lớn và việc bổ trợ để tiến bộ là việc nên làm. “Chuyến đi cho tôi rất nhiều, đó là một bài học vô giá”, An Khương nói.
Nói về chuyến đi, chàng thanh niên cho biết, mỗi ngày anh đi khoảng 100km, khi đổ đèo, lên dốc lại xuống dắt bộ. Ngày cặm cụi đạp, đêm nghỉ, ăn uống tiết kiệm nhất có thể, ngủ tranh thủ ở đâu nhờ được thì nhờ, hạn chế thuê nhà trọ. Cứ như thế, sau 38 ngày, chàng trai trẻ đã vượt qua hành trình hơn 2.000km, đi qua 27 tỉnh thành với tổng chi phí 3,7 triệu đồng. “Cả chặng đường đi băng băng không sao, khi vừa đến thủ đô Hà Nội thì xe lại tụt xích”, Khương kể. Suốt hành trình đó, Khương sụt mất 5kg nhưng anh bảo “giờ còn thấy khoẻ hơn trước”.
An Khương cho biết, sắp tới làm xong thủ tục hiến tạng, chàng trai sẽ tiếp tục đạp xe trở lại quê bạn thân tại Đà Nẵng để đấu giá từ thiện chiếc xe đạp em đang đi để ủng hộ các bệnh nhi ung thư. “Còn trở lại quê bằng gì em cũng chưa biết”, Khương thật thà nói.
Việc làm “khác người” của Khương đã chạm tới trái tim của không ít người, trong đó có PGS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Nói về hành động nhân văn của An Khương, ông cho biết, để động viên chàng thanh niên, sắp tới ông sẽ bỏ tiền túi để làm các xét nghiệm cho Khương. Ghi nhận tấm lòng của Khương, TS. Sơn cho biết Việc có tiếp nhận hay không còn cần phụ thuộc vào sức khoẻ của Khương. Việc hiến tạng là điều nên làm, bởi nó có thể cứu giúp được nhiều sinh mạng khác, tuy nhiên vượt qua được định kiến xã hội và quyết tâm như An Khương là một câu chuyện cảm động đầy thán phục.
Tác giả: Dương Thị Mỹ Nhung