Đau dạ dày chữa mãi không khỏi là do đâu?

( PHUNUTODAY ) - Đau dạ dày là một bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến hiện nay gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Đau dạ dày tái đi tái lại nhiều lần sẽ khiến cơ thể bị suy nhược. Vậy nguyên nhân nào khiến cho tình trạng bệnh chữa mãi vẫn không khỏi?

1. Chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý

Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho bệnh đau dạ dày "ghé thăm" thường xuyên đó chính là chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học và chưa hợp lý. Trong đó, bạn nên bỏ ngay những thói quen xấu sau đây, nếu không muốn bị những cơn đau dạ dày hành hạ thường xuyên, khó chịu và ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày:

- Ăn quá nhanh, ăn nhiều: Khi bạn ăn quá nhiều hay quá nhanh sẽ làm tăng áp lực cho dạ dày, chúng sẽ phải co bóp mạnh hơn để có thể tiêu hóa, từ đó gây nên những tổn thương, viêm, loét cho dạ dày. 

- Ăn đồ cay nóng, uống rượu bia: Đồ ăn cay nóng và đồ uống có cồn như rượu bia sẽ khiến cho bệnh đau dạ dày tái phát thường xuyên bởi khi ăn những thực phẩm này sẽ gây kích thích và ăn mòn lớp nhầy lót dạ dày từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày.

-Tắm khi vừa ăn xong: Sau khi ăn máu cần phải chuyển đến cơ quan tiêu hóa rất nhiều để giúp tiêu hóa thực phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình tắm, các mạch máu ngoài da sẽ giãn nở, máu lưu thông mạnh đến các chi . Vì vậy, tắm ngay sau khi ăn, lượng máu để chuyển đến cơ quan tiêu hóa và nội tạng bị hạn chế, làm cho quá trình tiêu hóa thức ăn bị trì trệ, gây nên đau dạ dày.

- Làm việc quá sức: Làm việc quá sức rất dễ dẫn đến cơ thể bị suy nhược và kéo theo sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút nhanh chóng. Từ đó, chức năng tự bảo vệ của niêm mạc dạ dày cũng bị suy yếu, khiến bệnh đau dạ dày tái phát.

- Căng thẳng tinh thần: Tình trạng quá tải về thể chất cũng như tinh thần về lâu dài sẽ dẫn đến sự mệt mỏi, làm suy yếu hệ miễn dịch và làm giảm tác dụng bảo vệ dạ dày của niêm mạc dạ dày.

- Hút thuốc lá thường xuyên: Khói thuốc lá kích thích bài tiết pepsin trong dịch vị dạ dày. Khi lượng pepsin tăng cao sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến niêm mạc dạ dày trong đó có viêm loét dạ dày. Thuốc lá còn làm tăng sản xuất các gốc tự do có trong dạ dày và hệ tiêu hóa. Cơ chế bảo vệ niêm mạc suy giảm, thúc đẩy các yếu tố gây viêm loét dạ dày, tá tràng phát triển. Dù bạn không hút thuốc lá nhưng việc hít phải khói thuốc lá cũng có thể gây nên các tình trạng trên.

2. Không tuân theo liệu trình điều trị

Trong những người bị đau dạ dày thì có đến 80% người bị do nguyên nhân là nhiễm vi khuẩn Hp. Nếu tuân theo đúng liệu trình điều trị đúng chuẩn, thì đa số người bệnh sẽ cam thấy các triệu chứng đau dạ dày được thuyên giảm hoặc có vài trường hợp mất hẳn cảm giác đau mặc dù chưa sử dụng hết thuốc. Khi ấy, có không ít người mang tinh thần chủ quan mà bỏ uống thuốc, quên không uống thuốc hay uống không hết đơn thuốc theo chỉ định của bác sĩ, khiến cho bệnh không được điều trị triệt để, dễ tái phát.

Vì dù người bệnh hết cảm cảm giác đau nhưng thực chất thì vi khuẩn HP vẫn còn tồn tại, khi bạn dừng uống thuốc, chúng sẽ nhanh chóng tạo ra các tổn thương và tiếp tục gây đau. Nghiêm trọng nhất là dẫn tới tình trạng Hp kháng kháng sinh khiến việc điều trị trở nên khó khăn rất nhiều.

3. Không điều trị đúng nguyên nhân gây bệnh

Khi phải đối mặt với những cơn đau dạ dày, không ít người thường tự ý mua thuốc điều trị triệu chứng bệnh mà không đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán rõ ràng để tìm ra nguyên nhân thực sự gây bệnh. Không những vậy, nếu nguyên nhân thật sự gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn Hp, thì việc tự ý dùng thuốc chỉ có thể xử lý được tạm thời các triệu chứng như đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua nhưng nguyên nhân sâu xa nhất thì vẫn chưa được xử lý.

Vi khuẩn Hp rất di động, chúng xâm nhập qua lớp chất nhầy và xâm lấn biểu mô dạ dày, đặc biệt là khoảng gian bào. Trong đó, vi khuẩn sẽ sản sinh urease rất mạnh, có hoạt tính phân giải urê thành amoniac gây nên phản ứng kiềm làm tăng tạm thời pH tại chỗ đến khoảng 6,5 và giúp cho vi khuẩn sống sót được trong môi trường rất axit của dạ dày và gây độc trực tiếp đối với tế bào niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, Hp còn làm giảm chất nhầy bảo vệ thành dạ dày, dẫn đến axit dịch vị tác động trực tiếp lên thành dạ dày, gây viêm loét dạ dày. Chỉ cần Hp còn trong dạ dày, chúng vẫn sẽ tiếp tục làm bệnh tái phát liên tục trở lại.

Tác giả: Minh Hằng