Đây là cách bảo quản sữa mẹ chuẩn nhất, không sợ mất chất, mọi bà mẹ đều nên biết

( PHUNUTODAY ) - Để bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh đúng cách chị em cần phải nắm được những nguyên tắc cơ bản dưới đây.

Sữa mẹ vắt ra bảo quản được bao lâu?

Trong 6 tháng đầu sau sinh, trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn để đạt được sự tăng trưởng, phát triển và sức khỏe tối ưu. Một số bà mẹ không có điều kiện để cho con bú trực tiếp (như mẹ phải đi làm, núm vú tụt vào trong...) thì người mẹ có thể vắt sữa ra để cho trẻ uống. Khi vắt sữa như thế mẹ sẽ không bị mất sữa mà ngược lại giúp duy trì nguồn sữa mẹ lâu dài.

Khi vắt sữa ra, bầu sữa trống sẽ kích thích tuyến yên tiết ra chất prolactin giúp việc tạo sữa nhiều hơn. Mỗi ngày bạn có thể vắt sữa từ 5-7 lần và sữa được vắt ra nên để vào trong tủ lạnh. Nếu để ở ngăn đá có thể bảo quản được 7 ngày, nếu để ở ngăn lạnh bảo quản được 24h. Sữa mẹ có thể bảo quản được khoảng ba tháng khi trữ trong tủ lạnh hai cửa có phun sương, sáu tháng ở mức nhiệt là -18° C. Trước khi cho bé bú nên ủ ấm sữa lại.

Cách bảo quản sữa mẹ chuẩn nhất

Sữa mẹ sau khi vắt ra nên đổ ngay vào túi đựng sữa chuyên dụng. Sau đó, dán nhãn bên ngoài túi trữ sữa, ghi ngày, giờ vắt, ghi tên của bé (nếu bạn gửi bé đi nhà trẻ).

Cất sữa đã vắt vào tủ lạnh ngay khi có thể. Nếu không thể, hãy để sữa ở nhiệt độ phòng có mức nhiệt khoảng 26°C nhưng lưu ý là chỉ để trong vòng 6 giờ, nhiệt độ thấp hơn là 8-10 giờ.. Tránh xa những nơi có bức xạ, ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn nhiệt khác. 

Tuy nhiên các chuyên gia khuyên rằng, việc bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ trong phòng không nên kéo dài quá 4 giờ; trời nóng là dưới 1 giờ.

Chia sữa thành các túi nhỏ với dung tích từ 80 – 120 ml để giảm thiểu thời gian làm lạnh, tránh lãng phí, khi rã đông thì sữa tan nhanh hơn.

Không nên bảo quản sữa mẹ ở cánh cửa ngăn đá vì nhiệt độ ở đó thường không chính xác.

Cách rã đông sữa

Khi muốn rã đông, nên chuyển sữa từ ngăn đá xuống ngăn mát khoảng nửa ngày đến một ngày trước khi mang sữa ra bên ngoài ủ ấm cho trẻ ăn. Không nên rã đông sữa ở nhiệt độ phòng vì làm thế sẽ khiến vi khuẩn trong sữa tăng lên.

Để rã đông sữa mẹ, bạn có thể hấp cách thủy hoặc làm ấm sữa bằng cách đặt bình chứa sữa vào một bát nước nóng khoảng 40° C. Không đun sữa mẹ hoặc hâm sữa bằng lò vi sóng vì sẽ làm hỏng sữa.

Sữa bảo quản trong tủ lạnh thường có lớp váng nổi trên bề mặt nhưng bên dưới sữa nhìn trong như nước. Do đó, khi hâm nóng sữa mẹ nên lắc nhẹ chai để phần váng sữa và sữa trộn lẫn với nhau. Đừng lắc quá mạnh vì sẽ làm phân hủy một số chất dinh dưỡng có giá trị có trong sữa.

Trước khi cho bé ăn, hãy kiểm tra nhiệt độ. Sữa phải ấm nhưng không quá nóng. Nếu bé bú không hết sữa sau khi rã đông thì phải bỏ đi, không được trữ lại.

Tác giả: Thanh Huyền