Dứa chín có lợi ích cực tốt đối với sức khỏe nhưng cũng có thể thành "chất độc" nếu không biết cách ăn đúng

( PHUNUTODAY ) - Dưới đây là những lưu ý tuyệt đối cần phải nhớ khi ăn dứa để tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe, kẻo hối hận không kịp.

Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, dứa là loại trái cây rất giàu các vitamin và khoáng chất, nhất là khi nó còn được coi là nguồn cung cấp vitamin C vô cùng dồi dào, với các vitamin khác như vitamin A, vitamin K, vitamin B6, choline, canxi, kẽm… Đây là nguồn dưỡng chất tuyệt vời để hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch đồng thời hỗ trợ giảm thiểu các triệu chứng như cúm, cảm lạnh, ho khan...

Tuy nhiên, có không ít các trường hợp sau khi ăn dứa gặp phải các triệu chứng như nôn mửa, khó chịu, ngộ độc, nguyên nhân là do dị ứng với nấm Candida trepicalis được ký sinh ở mắt của quả dứa. Trong đó, đặc biệt những quả đã dập nát lại là môi trường thuận lợi để loài nấm này ký sinh, việc cắt không kỹ các mắt này khỏi dứa sẽ gây cho người sử dụng dị ứng dẫn đến ngộ độc dứa. Ngoài biểu hiện nôn mửa khi ngộ độc dứa, bệnh nhân còn có thể gặp các triều chứng khác như ngứa ngáy toàn thân, miệng lưỡi tê dại cơ thể chảy mồ hôi, khó thở, nổi mề đay. Ngoài ra đối với người có cơ thể quá nhạy cảm có thể sẽ bị lạnh da, mạch đập nhanh, huyết áp hạ… Chính vì vậy, khi ăn dứa, bạn cần chú ý: 

1. Không ăn dứa bị dập nát

Dứa là loại cây bụi mọc sát mặt đất, có phần vỏ lại xù xì nên có thể là nơi "cư trú" tuyệt vời của các loại nấm. Chính vì vậy, khi dứa bị dập nát sẽ khiến cho dịch bào thấm ra, nấm sẽ phát triển và xâm nhập sâu vào trong quả, từ đó gây ngộ độc cho người ăn. Các triệu chứng ngộ độc thường thấy là mệt mỏi, khó chịu, ngứa ngáy hay nổi mề đay.

2. Không ăn dứa còn xanh

Việc ăn những quả dứa còn xanh tưởng như bình thường nhưng trên thực tế lại rất nguy hiểm. Bởi, dứa lúc còn xanh vốn rất độc hại, nếu ăn phải rất dễ gây tiêu chảy nặng và nôn mửa. Không những vậy, việc ăn quá nhiều lõi dứa còn có thể khiến cho những búi chất xơ hình thành trong đường ruột.

3. Không ăn dứa khi đói 

Dứa là một loại trái cây nhiều nước, mát, rất thích hợp trong mùa hè. Tuy nhiên, nếu bạn ăn dứa khi đói sẽ khiến cơ thể cảm thấy nôn nao và khó chịu, do các chất hữu cơ và bromelin có trong dứa tác động mạnh vào niêm mạc dạ dày, ruột.

4. Không ăn dứa khi đang bị dạ dày

Quả dứa có nhiều axít hữu cơ và có một số enzyme có tác dụng làm tiêu protein, không có lợi cho người đau dạ dày, làm tăng viêm loét niêm mạc dạ dày. Nếu ăn dứa tươi vào lúc đói thì các axit hữu cơ của dứa và bromelin tác động vào niêm mạc dạ dày, ruột, dể gây nôn nao, khó chịu.

5. Không ăn dứa trong giai đoạn mang thai 3 tháng đầu

Theo các kinh nghiệm dân gian và các bác sĩ cũng khuyến cáo thì trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, các bà bầu không nên ăn nhiều dứa. Theo nghiên cứu, dứa có chất bromelain có tác dụng làm mềm tử cung, kích thích co bóp tử cung. Đặc biệt là những trái dứa xanh thì tỉ lệ chất bromelain là rất cao.

Cách chọn dứa tươi ngon, ngọt lịm

- Màu sắc: Bạn hãy chọn những trái có màu vàng tươi từ cuống cho đến phần đuôi. Tuy có thể còn một vài mắt hơi xanh nhưng nó vẫn mang độ ngọt nhất định. Nên nhớ, trái dứa vàng đều thì độ ngọt càng cao. Ngoài ra, phần ngọn dứa có màu càng tươi xanh chứng tỏ dứa càng tươi ngon, còn nếu những trái dứa quá chín phần ngọn sẽ bị khô hoặc ngả sang màu nâu.

- Hình dáng: Dứa có hình tròn bầu, ngắn quả sẽ có nhiều thịt hơn so với những quả dáng ống dài.

- Cảm nhận bằng tay: Những trái dứa ngon, tươi sẽ không quá cứng cũng quá mềm, nhấn ngón tay vào sẽ không có cảm giác bị lõm vào.

- Mắt dứa: Mắt dứa càng lớn, càng thưa sẽ càng tốt. Bởi sau khi gọt bỏ phần mắt bạn sẽ có được phần thịt dứa dày và mắt dứa lớn, thưa chứng tỏ dứa già và chín tự nhiên chứ không ngâm thuốc.

- Mùi thơm: Bạn có thể ngửi mùi ở phần cuối trái dứa để thử độ tươi và chín của dứa. Nếu thấy có mùi thơm thì nên chọn, tránh chọn mùi ít hoặc không mùi bởi nó chưa chín. Cũng không nên chọn những trái có mùi hơi chua theo kiểu lên men thì đó là những trái đã quá chín.

Tác giả: Minh Hằng