Bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường cao hơn 46%
Một nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Bộ Cựu chiến binh Mỹ để theo dõi hơn 181.000 người trưởng thành mắc COVID-19 trong vòng một năm sau khi có kết quả dương tính.
Sau đó, các nhà khoa học đã so sánh những bệnh nhân này với hơn 8 triệu người không bị nhiễm SARS-CoV-2.
Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Lancet Diabetes & Endocrinology.
Kết quả cho thấy những người khỏi COVID-19 có nguy cơ mắc mới bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 46% trong vòng một năm sau khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính.
Ziyad Al-Aly, giám đốc nghiên cứu và phát triển của Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe Cựu chiến binh St. Louis (Mỹ), người dẫn đầu nghiên cứu, nói với Reuters rằng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn rõ ràng ngay cả ở những người bị COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng. Nguy cơ này cũng cao hơn ngay cả ở những F0 không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác của bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, những người bị COVID-19 nặng có nguy cơ phát triển tiểu đường cao nhất.
Bệnh tiểu đường loại 2 xảy ra khi cơ thể không thể xử lý đường từ thức ăn một cách bình thường. Bệnh cần được kiểm soát chặt chẽ, nếu không, lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương các cơ quan, mắt, tay chân, và dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ.
Tiểu đường loại 2 vốn đã gia tăng toàn cầu do tỷ lệ người mắc bệnh béo phì tăng vọt.
Ziyad Al-Aly nói thêm: "Đối với phần lớn công chúng, nếu bạn đã mắc COVID-19, bạn cần chú ý đến lượng đường trong máu của mình".
Các nhà nghiên cứu kết luận: "Các bằng chứng hiện tại cho thấy bệnh tiểu đường là một khía cạnh của hội chứng COVID kéo dài... Các chiến lược chăm sóc sau khi khỏi COVID-19 cấp tính nên bao gồm xác định và quản lý bệnh tiểu đường".
Một nghiên cứu khác được công bố tuần trước trên tạp chí Diabetologia cũng phát hiện kết quả tương tự. Các nhà nghiên cứu đã xem xét 35.865 người mắc COVID-19 và phát hiện những người này có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường cao hơn 28% so với nhóm bị nhiễm trùng đường hô hấp trên không phải do COVID.
Gần như tất cả các trường hợp mắc mới tiểu đường trong cả hai nghiên cứu đều là bệnh tiểu đường loại 2, đôi khi có thể được kiểm soát bằng cách giảm cân và thay đổi chế độ ăn uống.
Các tác giả nghiên cứu khuyến cáo F0 đã khỏi bệnh nếu có triệu chứng của bệnh tiểu đường thì cần đi khám.
Cách phòng ngừa và điều trị tiểu đường
Việc điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày và thể dục thể thao hợp lý, kết hợp theo dõi tình trạng bệnh lý thường xuyên là những việc quan trọng nhất mặc dù ở thể bệnh nào.
Để không tiến triển nặng, bệnh nhân tiểu đường cần có kế hoạch theo dõi lượng carbohydrate, cũng như hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ, nên ăn nhiều rau xanh, các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Cần lưu ý rằng, bệnh tiểu đường có thể thay đổi và tiến triển khác nhau ở từng thời gian. Do đó, bệnh cần được thăm khám định kỳ, đánh giá chính xác tình trạng hiện tại để có kế hoạch điều trị thích hợp và hiệu quả, theo chỉ định của bác sĩ.
Không thể phòng ngừa được bệnh tiểu đường tuýp 1 nhưng bệnh nhân hoàn toàn có thể giảm bớt nguy cơ bệnh tiến triển thành tiểu đường tuýp 2 bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày, có kế hoạch tập luyện thể chất đều đặn, hợp lý.
Chế độ ăn uống đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát bệnh.
Nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn bệnh tiểu đường: đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn, không làm hạ đường huyết xa bữa ăn nhằm duy trì hoạt động thể lực bình thường và duy trì cân nặng hợp lý. Thiết kế bữa ăn đơn giản, không quá đắt tiền và phù hợp với tập quán địa phương.
Cân bằng tỷ lệ carbohydrate, protein và chất béo, bổ sung những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít chất béo và calo như rau củ, trái cây, các loại ngũ cốc nguyên hạt; theo dõi đường huyết sau bữa ăn.
Việc vận động không chỉ giúp giảm chỉ số đường huyết, duy trì cân nặng ở mức ổn định mà còn giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch... Khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường tập thể dục thể thao ít nhất 5 ngày mỗi tuần với thời gian tập 30 phút mỗi ngày. Bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
Hụt hơi sau côvy có phải do phổi yếu: BS lý giải, chỉ ra dấu hiệu phổi tổn thương nên đi khám
-
3 loại gia vị, 4 loại quả được ví như "thuốc bổ phổi" tự nhiên: F0 nên dùng để dưỡng phổi trẻ khỏe
-
Loại rau dân dã tốt hơn cả tía tô, là 'kháng sinh tự nhiên': BS nói tác dụng vô cùng quý cho F0
-
F0 lo sợ hậu Côvy phổi trắng xoá, virus nằm sâu trong phổi nên ‘nhao nhao’ đi khám: Chuyên gia đưa ra khẳng định
-
Vì sao F0 3-5 ngày đã âm tính nhưng vẫn phải theo dõi hết ngày thứ 10: BS tiết lộ lý do quan trọng