Theo phong tục dân gian, gà ngậm hoa hồng là vật phẩm thường xuyên xuất hiện trong các mâm cỗ cúng gia tiên. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết được ý nghĩa của hình tượng này.
Gà ngậm hoa hồng mang ý nghĩa gì?
Hình ảnh gà trống miệng ngậm hoa hồng đỏ trên mâm cỗ cúng biểu tượng cho niềm tin và hi vọng của con người vào tương lai tươi sáng, thuận lợi.
+ Biểu tượng cho may mắn
Mâm cỗ cũng có gà trống luộc ngậm hoa hồng, gia chủ cầu mong sự may mắn, khỏe mạnh cho gia đình. Điều đặc biệt, gà cúng ở đây phải là gà trống, được đặt hướng vào bát hương. Miệng gà phải ngậm bông hoa hồng biểu thị cho sự may mắn vì hoa hồng từ xưa đến nay tượng trưng cho vận may, còn màu đỏ đại diện cho vận đỏ.
+ Gà trống là loài có 5 đức lớn
Chọn gà trống để cúng còn có một lý do đặc biệt. Trong 12 con giáp, gà trống là biểu tượng cho sự cương trực, mạnh mẽ. Đặc biệt, trong văn học gà trống được cho là loài có 5 đức lớn như sau:
- Văn: thân gà có màu lông đẹp, đầu có mào như đội mũ cánh chuồn của ông tiến sĩ, đây là biểu tượng cho văn.
- Võ: chân gà trống cứng, có cựa nhọn để làm vũ khí, đó là biểu tượng cho võ.
- Dũng: gà trống luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đàn, đó là biểu tượng cho dũng khí.
- Nhân: gà trống đầu đàn luôn nghĩa khí, gọi bầy đến rồi mới ăn cùng, không bao giờ ăn một mình, đó là biểu tượng cho nhân.
- Tín: đúng giờ, gà đúng canh liền cất tiếng gáy bất kể thời tiết như thế nào.
Truyền thuyết kể về phong tục gà ngậm hoa hồng
Theo truyền thuyết, Ngọc Hoàng đã tạo ra mặt Đất và muôn loài nhưng lại cảm thấy nơi đây lạnh lẽo và ẩm thấp. Chính vì vậy, ngài mới sai 10 mặt Trời xuất hiện để soi sáng và sưởi ấm cho mặt Đất. Tuy nhiên, do có quá nhiều mặt Trời nên khiến đất lại trở nên khô, nứt nẻ.
Lúc này, trên trái đất xuất hiện một dũng sĩ bắn hạ 9 mặt trời và còn lại mặt Trời duy nhất còn sót lại trên cao, không lộ diện. Khi đó, mặt Đất lại trở về với sự lạnh lẽo, tăm tối ban đầu. Con người và muôn loài đã chung sức lại để cùng gọi mặt Trời ló dạng nhưng mãi cũng không thành công.
Cho đến một ngày, một con gà trống khỏe mạnh cất tiếng gáy, khi đó mặt Trời vì tò mò với tiếng gáy của nó nên xuất hiện và làm sáng bừng không gian, sưởi ấm cho cả mặt Đất. Cho đến đêm giao thừa, trời đất tối tăm nhất, đây cũng là lúc mặt trời ẩn mình sâu nhất. Lúc này, mọi người lại kháo nhau cúng gà trống để có thể đánh thức mặt Trời xuất hiện chiếu sáng cho muôn loài. Hơn nữa, hình tượng bông hoa hồng đỏ cũng chính là biểu tượng cho trạng thái con gà trống rướn cổ, cất cao tiếng gáy gọi mặt trời.
Một câu chuyện dân gian còn được người dân truyền miệng lại. Khi xưa, có một người đàn ông nọ khi đang chuẩn bị cắt tiết gà để chuẩn bị cho mâm cúng thì người vợ chuyển dạ sinh con. Vì bận với việc chăm sóc cho vợ sinh, ông đã bỏ dở việc đang làm. Sau đó khi nhớ ra, anh ta xuống bếp để làm tiếp thì con gà đã không còn dấu vết, tìm mãi mới thấy nó đã nằm chết trong bụi hoa hồng. Người đàn ông đã đem gà vào làm thịt. Sau khi luộc gà chín và dâng lên bàn thờ, anh ta cũng đã ngắt một bông hoa hồng rồi sau đó gắn vào mỏ con gà. Kể từ đó, mọi người cũng làm theo với mong muốn điềm lành sắp tới với họ.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Cách luộc gà cúng ngon, vàng óng, không nứt da: Nhớ 1 bước quan trọng này!
-
Đặt gà cúng lên ban thờ như thế này gây mất lộc, khó giàu, kiểm tra ngay bạn đã làm đúng chưa?
-
Thắp hương gà ngày rằm cần lưu ý kẻo phạm phong thủy
-
Vì sao trên mâm cỗ người Việt không thể thiếu món gà luộc?
-
Vì sao Tết Đoan Ngọ thường cúng đồ chay, không cúng gà?