Gần Tết rau củ tăng giá đi chợ nhớ nhìn điểm này để chọn đúng loại an toàn không hóa chất kích lớn

( PHUNUTODAY ) - Gần Tết rau tăng giá mạnh nên nguy cơ rau bị phun hóa chất kích tăng trưởng càng cao, người nội trợ cần chú ý.

Dịp cuối năm rau củ tăng giá mạnh. Những ngày này nhu cầu thực phẩm cũng tăng cao. Do đó nguy cơ rau củ quả bị phun thuốc kích lớn càng mạnh. Để đảm bảo Tết an toàn, thực phẩm không gây hại, người nội trợ nên nhớ các mẹo sau khi chọn rau củ quả nhé: 

Ưu tiên rau chính vụ

Bạn nên ưu tiên chọn những loại rau và trái cây chính vụ bởi tong thời điểm chính vụ, hầu hết các loại rau sinh trưởng và phát triển bình thường, ít bị sâu bệnh phải dẫn đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và các hoạt chất kích thích để tăng năng suất, từ đó hạn chế được việc sử dụng hóa chất. Do đó hãy chú ý chọn rau chính vụ nên tránh loại trái mùa.

Rau ăn ngọn (rau lang, đọt bầu bí...) nên tránh loại vươn dài

Với các loại rau ăn ngọn như muống, lang, mồng tơi, ngọn bí, bầu... thì khi mua nên mua những bó rau có ngọn vươn ra quá dài bởi nguy cơ chúng vươn dài do dùng thuốc chất kích thích tăng trưởng quá liều và không đảm bảo thời gian cách ly an toàn trước khi thu hái bán. Nếu mua về không sử dụng liền, ngày hôm sau ngọn rau sẽ vươn ra thêm một đoạn 5-10 cm thì chứng tỏ đó là rau dính thuốc, nên bỏ ngay.

Rau cải (cải xanh, cải thảo...) nhìn gốc

Các loại rau họ cải khii mua nên bẻ ngang phần gốc, nếu thấy có nước từ thân tiết ra thì rau cải đã bị bón quá nhiều phân đạm. Rau này thu hoạch sớm không đảm bảo thời gian cách ly, hàm lượng Nitrat trong rau còn rất cao nên khi ăn có thể tăng ngộ độc cho cơ thể, đặc biệt trẻ nhỏ. Nếu để quá 12 giờ thì rau này dễ bị úng nâu đen, không nên mua.

Rau muống nên tránh loại xanh mướt

Chọn rau muống nên tránh rau có cọng to hơn bình thường, rau giòn, lá màu xanh đen, nhìn nghiêng mặt trên của lá rau rất bóng và mướt. Dấu hiệu trên cho thấy chúng được bón nhiều phân đạm hoặc phân bón lá. Khi luộc rau muống thấy nước màu xanh lạ, khi nguội nước sẽ biến thành màu xanh đen; khi ăn xong, nếu tinh ý sẽ nhận thấy có vị chát thì đó là rau không an toàn.

Rau bí (ngọn và lá của cây bí ngô)

Không nên mua bó rau có ngọn dài, khoảng cách giữa các lóng xa nhau (ngọn vươn dài), tay cuống mập và ngắn, ít lông tơ, ngọn bí màu xanh nhạt, lá màu xanh đen... do bón thừa đạm hoặc nhiều phân bón lá và chưa đủ thời gian cách ly.

Rau cần tránh loại không rễ trắng lạ

Khi chọn rau cần nếu thấy thân rau to, ngó rau trắng ngần, rau nhanh bị héo thì không nên mua do sử dụng quá nhiều phân bón lá và có khả năng còn tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu để đến ngày hôm sau thì rau héo úa, thân khô tóp lại nhăn nheo, khi xào nấu lá rau biến màu xanh đen thì đó là rau bị kích thích tăng trưởng vươn nhanh. Nếu rau cần không rễ là bị phun thuốc triệt rễ.

Củ, quả tránh loại lớn màu sắc sặc sỡ

Chọn củ quả nên tránh chọn những trái quá lớn, mà chọn những trái có kích thước vừa phải hoặc hơi nhỏ. Không chọn những trái da căng và có vết nứt dọc theo thân, những trái da xanh bóng. Đặc biệt đối với trái cây cần quan sát trong lô hàng có quả chín hay không để nhận biết trái cây sinh trưởng và phát triển bình thường.

Các loại đậu (đậu đũa, đậu cô ve, đậu Hà lan, đậu ván...)

Đậu đỗ nếu thấy bóng nhẫy, ít lông tơ... chứng tỏ có phun thuốc tăng trưởng.

Tránh các loại rau củ quả nứt toác hình dạng kỳ dị vì thường đó là do bón quá nhiều phân đạm nên dẫn tơi dị dạng nứt toác.

Cách xử lý rau củ an toàn

Để hạn chế sản phẩm rau và trái cây có nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và nhiễm khuẩn, cách xử lý trước khi sử dụng đơn giản nhất mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh, người tiêu dùng cần lưu ý:

- Rửa rau và trái cây dưới vòi nước sạch nên rửa dưới vòi chảy mạnh để loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật và một số chất bẩn trên bề mặt sản phẩm. Không nên rửa từ thau này sang thau khác vì sẽ vẫn không rửa trôi được vi khuẩn và chất bẩn như rửa ở vòi nước chảy.

* Rau có lá to: cẩn thận bóc tách và rửa từng cọng rau, từng lá rau, rửa bề mặt bên này rồi đến bề mặt bên kia một cách nhẹ nhàng, không nóng vội.

* Những loại rau lá nhỏ phải rửa trong chậu với nước sạch nhiều lần.

* Rau ăn ngọn: khi sử dụng ngắt bỏ phần đọt vì nơi này chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật.

- Quả tươi, trái cây tươi sau khi rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần vẫn nên gọt vỏ trước khi ăn nếu nghi ngờ không an toàn.

- Hạn chế ăn rau sống. Nếu ăn nên rửa kỹ nhiều lần dưới vòi nước chảy.

Tác giả: An Nhiên